(QK7 Online) - Bộ Quốc phòng đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, lấy phòng là chính”, qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Chiều 14 tháng 1 năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 689 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo bằng hình thức thức trực tiếp và trực tuyến. Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì điểm cầu Bộ Quốc phòng. Điểm cầu Quân khu 7, Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu chủ trì.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương chủ trì điểm cầu Bộ Quốc phòng.
Quân đội thực hiện tốt Nghị quyết số 689
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn trong toàn quân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao rõ rệt; hệ thống tổ chức chỉ huy, điều hành từng bước được kiện toàn; lực lượng chuyên trách bước đầu được củng cố. Tổ chức, biên chế lực lượng chuyên trách trong Bộ Quốc phòng từng bước được kiện toàn phù hợp với chức năng của từng đơn vị để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn đường không, đường biển, cứu hộ tàu ngầm, ứng phó sự cố tràn dầu, khắc phục sự cố hóa học, sinh học...
Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện đã được quan tâm hơn, ưu tiên đầu tư trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại theo từng nhiệm vụ của các lực lượng như thiết bị dò tìm xuyên tường, xe cứu hộ đa năng, xe cẩu địa hình, robot lặn, tàu cứu hộ tàu ngầm... vừa đảm bảo cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên của đơn vị, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn khi có tình huống.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phối hợp tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Tòng Ninh.
Lực lượng kiêm nhiệm tại các đơn vị trong toàn quân được tổ chức phù hợp với biên chế của đơn vị, đặc thù đóng quân và đặc điểm địa hình từng vùng miền nơi đóng quân. Lực lượng Dân quân tự vệ ở cấp huyện, xã được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện ứng phó với các tình huống, đáp ứng tốt yêu cầu làm lực lượng nòng cốt, là lực lượng tại chỗ luôn có mặt kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ phục vụ chỉ huy điều hành ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng dụng trong sản xuất, chế tạo trang thiết bị đặc thù tại các nhà máy, cơ sở sản xuất quốc phòng. Một số sản phẩm nổi bật phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai như: quả nổ phục vụ chữa cháy, UAV chữa cháy, xuồng tìm kiếm cứu nạn đa năng, thiết bị bay không người lái mang hàng cứu trợ...
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương từng bước nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành cho chỉ huy các cấp, tạo sự chủ động trong huy động lực lượng, phương tiện và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quản lý rủi ro, ứng phó khắc phục sự cố, thảm họa như: vụ sập hầm thủy điện Dạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) năm 2014 cứu được 12 công nhân; khắc phục sự cố môi trường cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông năm 2019; ứng phó với bão số 3 Yagi năm 2024...
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 tích cực khắc phục cây đổ để đảm bảo giao thông. Ảnh: Báo QĐND
Sự phối hợp giữa các đơn vị Quân đội với các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, sát phương châm “bốn tại chỗ”, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, góp phần làm sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân. Công tác phòng ngừa, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn đã chuyển dần từ bị động sang chủ động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quân khu 7 chủ động ứng phó với các tình huống
Trong 10 năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu phát huy sức mạnh tổng hợp trong khu vực phòng thủ, đề cao trách nhiệm tự lực, tự cường, huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung bảo đảm mọi mặt theo phương chân “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ”, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” ở cơ sở. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 luôn nêu cao ý chí, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt đi đầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn.
Lữ đoàn Công binh 25 tham gia diễn tập phòng thủ dân sự.
Tổ chức huấn luyện cứu hộ - cứu nạn gắn với huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho các đối tượng. Tập trung huấn luyện về kỹ năng, qui trình xử lý sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy cho các lực lượng, sử dụng thành thạo trang bị, phương tiện có trong biên chế, nâng cao khả năng làm chủ các trang bị, phương tiện hiện đại. Đồng thời, xây dựng chương trình, triển khai huấn luyện cho Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; luân phiên huấn luyện cho đại đội dân quân thường trực các địa phương, lực lượng dân quân trên các chốt biên giới đất liền, trong các khu chế xuất, khu công nghiệp sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống trên địa bàn.
Trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, địa bàn Quân khu 7 là tâm dịch, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với số ca nhiễm tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Quân khu 7 đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch cứu dân” đã điều động gần 2 ngàn y, bác sĩ, nhân viên quân y cùng nhiều phương tiện, trang bị, vật tư y tế để thành lập 3 bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông, thành lập các khoa điều trị Covid-19 ở các bệnh viện 7A, 7B. Gần 10 ngàn bộ đội chủ lực, hơn 70 ngàn Dân quân tự vệ, giai đoạn cao nhất lên tới gần 102 ngàn cán bộ, chiến sĩ, Dân quân tự vệ phối hợp cùng các lực lượng của Bộ Quốc phòng và các ngành chức năng tham gia chống dịch.
Lực lượng Phòng hóa Quân khu tiến hành khử trùng, tiêu độc trên địa bàn TPHCM.
Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu trong thời bình. Chính vì vậy, việc giáo dục, tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang Quân khu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, hiệu quả trong xử lý tình huống, không để bị động, bất ngờ; thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, làm nòng cốt và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuấn Anh