Nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng
Những bức tường rêu phong cổ kính, những dãy nhà tù, xà lim, chuồng cọp lạnh lùng - nơi giam cầm, tù đầy, tra tấn những người yêu nước vẫn còn đây. Qua dòng chảy của thời gian, tất cả đã trở nên cổ kính nhưng sự tàn ác, hà khắc của chế độ cai tù đối với những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước thì vẫn nguyên vẹn.
Khách tham quan hệ thống nhà tù tại Côn Đảo. Ảnh: Thu Cúc
Khách tham quan thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Thu Cúc
Bia tưởng niệm những người vượt ngục
Cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 17km, ngay sát cạnh đường đi Bến Đầm có tấm bia lớn tưởng niệm 198 chiến sĩ cộng sản của ta đã vượt ngục năm 1952.
Đêm 12-12-1952, 198 chiến sĩ cách mạng đã vượt “chuồng cọp”. Kế hoạch vượt ngục đã được thống nhất bí mật trước đó. Phương tiện vượt ngục là xuồng gỗ đã được các chiến sĩ bí mật làm trước và giấu dưới biển. Đúng giờ G, 198 chiến sĩ xuống xuồng bắt đầu cuộc vượt ngục. Giữa đêm tối mịt mù, vừa phải bí mật tránh sự phát hiện của địch, vừa phải chống chọi với sóng gió. Chèo xuồng được khoảng hơn 3km, thì bất ngờ sóng gió nổi lên, thời tiết vô cùng bất lợi. Những chiếc xuồng gỗ ngâm, giấu lâu ngày dưới biển đã bục vỡ. 81 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển, 117 chiến sĩ bị địch bắt lại.
Dấu tích của cuộc vượt ngục này còn lại là tấm bia tưởng niệm. Trên ấy khắc hình 198 người lao động khổ sai và ghi nhớ diễn biến cuộc vượt ngục không thành. 65 năm qua, tấm bia đá đã cũ, nhưng nó vẫn có giá trị tươi mới về tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, là bằng chứng sinh động để giáo dục các thế hệ người Việt và thanh niên cả nước về lòng yêu nước.
Cầu tàu 914 lịch sử
Cầu Tàu 914
Dấu ấn sâu đậm nhất đọng lại trong di tích lịch sử này hơn một thế kỷ qua chính là những phiến đá ngổn ngang - những mảng đá nặng hàng tấn, từng khối khổng lồ đã giết chết 914 chiến sĩ cách mạng trong quá trình xây dựng 107m Cầu Tàu.
Tuy nhiên, Cầu Tàu Côn Đảo cũng là nơi rợp bóng cờ đỏ sao vàng những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trên 2.000 tù chính trị đã từ Cầu Tàu này trở về đất liền tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ngày 4-5-1975, trên chuyến tàu đầu tiên ra giải phóng Côn Đảo, 500 ảnh Bác Hồ in lụa chuyển tới Cầu Tàu 914 và đã được những người tù trang trọng ra đón rước về từng trại giam. Và chỉ ít ngày sau đó, từng đoàn chiến sĩ cách mạng lần lượt bước xuống Cầu Tàu trở về đất liền, chấm dứt vĩnh viễn hơn một thế kỷ của cái gọi là “địa ngục trần gian”.