Một lòng với cách mạng
Bà Bùi Thị Nhanh (SN 1953, ở tổ 7, thôn 7) dẫn chúng tôi ra Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Sơn, cách nhà chưa tới 5 phút chạy xe. Đó là nơi an nghỉ của chị gái bà Nhanh - liệt sĩ Bùi Thị Đẹp.
Đặt tay lên bia mộ chị gái, bà Nhanh tự hào kể về truyền thống gia đình: “Ba mẹ tôi tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. 4 chị em chúng tôi cũng nối tiếp truyền thống, một lòng theo Đảng, theo cách mạng”.
Ba của bà Nhanh là liệt sĩ Bùi Văn Trà (SN 1910) tham gia đội du kích xã từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1959, ông Trà bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo. Trong những ngày bị giam giữ, địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo, nhưng không thể khuất phục được ý chí kiên trung của người con xã đảo Long Sơn. Chúng buộc phải trả tự do cho ông Bùi Văn Trà vào năm 1966.
Chỉ mấy tháng sau khi được trở về với cách mạng, ông Bùi Văn Trà ngã xuống trong một trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch ngay tại xã đảo Long Sơn.
Sau khi chồng hy sinh, mẹ của bà Nhanh - Mẹ VNAH Lê Thị Tốt - vừa tảo tần nuôi con vừa tiếp tục hoạt động nuôi giấu cán bộ cách mạng. 4 người con của mẹ đều tham gia lực lượng vũ trang địa phương. Riêng bà Bùi Thị Nhanh từ năm 15 tuổi đã làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cho du kích địa phương. Còn liệt sĩ Bùi Thị Đẹp là chị thứ ba trong gia đình. Năm 16 tuổi, chị Đẹp tham gia lực lượng giao liên huyện Châu Đức. Trong một lần liên lạc, chị Đẹp bị địch phục kích và bắn chết khi mới 17 tuổi.
Rời Nghĩa trang Long Sơn, chúng tôi đi theo đường 28 tháng 4, tìm đến gia đình ông Châu Văn Hết (tổ 6, thôn 1) - một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng của xã đảo. Gia đình ông Hết có 6 anh em đều tham gia cách mạng. Riêng ông Hết tham gia du kích từ khi 18 tuổi. Từng 2 lần bị địch bắt (lần thứ nhất vào năm 1969 và lần thứ hai vào năm 1971), nhưng ông Hết chưa một lần nao núng, luôn kiên định về lý tưởng, trung thành với cách mạng.
Trong ký ức về những ngày kháng chiến gian khổ và anh dũng, ông Hết vẫn luôn nhắc đến chị gái Châu Thị Chúc, với nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Liệt sĩ Châu Thị Chúc là cán bộ binh vận, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào năm 1973. Suốt từ đó đến nay, dù đã rất cố công nhưng gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của chị. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Sơn hôm nay, chính quyền xã và gia đình đã dựng lên phần mộ tưởng nhớ liệt sĩ Châu Thị Chúc.
Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa
Gia đình bà Nhanh, ông Hết chỉ là hai trong số nhiều gia đình có người thân hy sinh trên mảnh đất Long Sơn. Để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, từ năm 1985, UBND xã Long Sơn đã nỗ lực quy tập hài cốt các liệt sĩ trên địa bàn về an táng tập trung tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã. Long Sơn hiện là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nghĩa trang liệt sĩ riêng của xã. Đến năm 2011, được sự quan tâm của tỉnh và TP.Vũng Tàu, xã đã khánh thành Đền thờ Liệt sĩ ngay trong khuôn viên nghĩa trang. Đến nay, nghĩa trang có 179 ngôi mộ, trong đó 80% liệt sĩ là người địa phương.
Nhằm chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, từ năm 2012 đến nay, xã đã xây mới, sửa chữa 45 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Ông Đinh Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn (bìa trái) thăm hỏi cựu chiến binh Đinh Văn Thành, thôn 2, xã Long Sơn