Dấu ấn Trường Sa
Dường như, bất cứ ai dù một lần đến Trường Sa, được đặt bước chân mình lên từng rẻo đất nhỏ, những đảo đá san hô bập bềnh theo thủy triều lên, xuống, những nhà giàn chênh chao giữa mênh mông biển cả, sóng gió... một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, khi trở về chắc chắn sẽ giữ mãi những kỷ niệm rất khó quên!
Tôi cũng vậy, lần đầu tiên trong đời, tôi xúc động khi run run đặt bàn tay mình vào tấm bia chủ quyền trên đảo; bần thần đặt từng bước chân lên Cầu cảng, dẫn vào các đảo, hay leo lên từng bậc thang làm bằng sắt của các nhà giàn... mở tròn mắt ngắm nhìn tứ phía tôi ngỡ ngàng như “lạc” giữa nơi nào! Chao ôi, mênh mông biển! Mênh mông gió tát vào da thịt. Người ta nói “đứng giữa đại dương mới thấy mình nhỏ bé”; tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt, lao động, chiến đấu với tâm hồn trẻ trung, yêu đời của cán bộ, chiến sĩ ở từng điểm đảo, nơi đầu sóng ngọn gió hết sức khắt nghiệt này, tôi chợt nhận ra mình cũng... nhỏ bé vô cùng! Và, tôi hiểu cuộc sống bình yên, hạnh phúc mà thế hệ con cháu đang được thừa hưởng hôm nay có giá trị biết dường nào!
Dù thời gian chuyến đi (có lẽ duy nhất trong đời mình) đã lùi lại khá xa và tan vào dòng chảy của năm tháng, nhưng ký ức về Trường Sa: tất cả hình ảnh của các đảo nổi, đảo chìm, các nhà giàn DKI bé nhỏ, cheo leo giữa mênh mông trùng dương biển cả; những hình ảnh thân thương, những con người dễ mến, ánh mắt, nụ cười của những chàng lính trẻ trong sắc áo trắng mong manh rạng ngời bên sóng gió Biển Đông... cứ hiện ra tươi nguyên trong nỗi nhớ của tôi!
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, theo kế hoạch, cứ mỗi năm thường có từ 14 -18 đoàn công tác của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các tỉnh, thành trong cả nước; các đoàn công tác của giới báo chí, văn nghệ sĩ... từ đất liền ra thăm, tặng quà, biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các đảo trên quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân bố trí, sắp xếp để đưa các đoàn công tác ra thăm Trường Sa đều tập trung từ tháng 3 đến trước tháng 6. Bởi theo kinh nghiệm dân gian “Tháng ba bà già đi biển” - thời điểm này, trời yên biển lặng, còn những tháng khác trong năm, Biển Đông thường có bão to, sóng dữ hay áp thấp nhiệt đới rất hiểm nguy...
Thượng úy Nguyễn Đình Chức (lúc đó là Chỉ huy phó Nhà giàn DKI/8) cho biết, trung bình mỗi năm trên Biển Đông có hơn 8 tháng (từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau) là mùa mưa, nên Biển Đông thường xuyên có bão, giông tố đi qua. Nhất là các nhà giàn, do vị trí đều đặt tại khu vực thềm lục địa, nơi được cán bộ, chiến sĩ Hải quân gọi đùa là “cái rốn”, “trung tâm” bão! Do đó, trên các nhà giàn, cán bộ (đều là sĩ quan) phải luôn sẵn sàng đương đầu với bão tố và sống, làm việc trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt. Trung bình mỗi tháng có ít nhất từ một đến hai trận bão quét qua đây; rồi áp thấp nhiệt đới, chế độ thủy triều lên xuống, khí hậu biến đổi thất thường... Đặc biệt, Biển Đông còn là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hầu hết các trận bão hàng năm thường xuyên đi qua “mắt bão” - đảo Luzon (Philippin) trước khi đổ vào nước ta.
Ngày 25/12/2017, trận bão số 16 gió giật cấp 14, 15 tràn vào Biển Đông, quét qua các đảo, điểm đảo, nhà giàn DKI trên quần đảo Trường Sa, đã phá hoại nhiều công trình, nhà cửa, chốt bảo vệ, quật ngã nhiều cây xanh, làm hư hại hầu hết rau, màu... của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Trường Sa luôn đối diện với nhiều khó khăn, ẩn họa rất bất thường...
Cùng quân dân Trường Sa gói bánh.
Đối với công dân đảo, thời gian đi qua chẳng cần tính tháng, đếm ngày; khi thấy Biển Đông trời xanh, sóng lặng, họ nhận ra mùa nắng đã sang, mùa biển đẹp nhất trong năm đã về; cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn khấp khởi chờ đợi người thân, bạn bè từ đất liền mang niềm vui ra đảo. Điều đặc biệt như “lời hẹn”, khi thấy hoa bàng quả vuông bâng khuâng nở trắng, mọi công dân đảo đều khấp khởi chờ đợi xuân về!
Ở nơi tận cùng bão giông, tận cùng Tổ quốc, mỗi dịp xuân về đều mang theo bao nhiêu niềm vui, khát vọng và cảm xúc dâng tràn! Mùa xuân về, những người lính đảo thêm một tuổi đời, thêm một tuổi quân, thêm dạn dày sương gió, trui rèn bản lĩnh, ý chí và tình yêu để ngày đêm bảo vệ, canh giữ biển trời của Tổ quốc thiêng liêng.
Mùa xuân về, các đảo, điểm đảo bừng lên sức sống mới! Rau xanh được trồng non tươi trườn ra trước nắng gió; lợn, gà được chăn thả rong ruổi tìm kiếm thức ăn bên mé nước dập dềnh; các loài hoa cỏ may, hoa lá kim, hoa muống biển nở tím thẫm những triền cát trắng... Tất cả tạo nên bức tranh miền biên cương sinh động, lãng mạn vô cùng!
Nhiều năm qua, được trang bị thêm những chiếc tàu có trọng tải lớn, có các thiết bị hiện đại hơn đủ sức chống chọi với sóng gió, bão giông nên mỗi dịp trước thềm xuân mới, Bộ Tư lệnh Vùng 4 - Hải quân thường xuyên phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều đoàn công tác vượt gió to, sóng dữ, có khi những trận bão bất thường để mang những chuyến quà tết nặng nghĩa tình đến với Trường Sa.
Tuy nhiên, thường vào những ngày giáp tết, Biển Đông đang còn trong mùa mưa bão; để đưa được hàng tết đến với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn DKI trên quần đảo Trường Sa, có khi các đoàn công tác lênh đênh trên biển cả tháng trời. Và, nhiều khi, tàu chỉ cập được các đảo nổi, một số đảo chìm, còn các nhà giàn không thể vào được. Một số đồng nghiệp tôi là phóng viên báo chí tâm sự, đứng nhìn anh em cán bộ trên các nhà giàn reo hò, vẫy tay mà đoàn công tác tặng quà tết không làm sao vào được, bởi sóng quá to, quá hung dữ... Nghe vậy, thấy thật thương!...
Những năm gần đây, cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa đã có nhiều cải thiện; song vẫn còn đó những “cái thiếu”, cái khó rất cần sự sẻ chia. Trong đó, tình cảm và niềm động viên từ đất liền là món quà có ý nghĩa nhất!