(QK7 Online) – Những ngày tháng 5 lịch sử, đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên đã có mặt tại Bến Nhà rồng – nơi ghi dấu trên hành trình tìm đường cứu nước của Bác, để tham quan và nghe những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Có mặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Nhà rồng) vào một ngày đầu tháng 5, trong không khí trang nghiêm, ai cũng chăm chú lắng nghe giới thiệu những câu chuyện gắn liền với những bức ảnh, hiện vật được trưng bày tại đây.
Đoàn viên thanh niên tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Gia Tú.
Một trong những hiện vật đặc trưng tại Bảo tàng là khu trưng bày hiện vật Đền thờ Bác Hồ ở Nam bộ, nơi ghi dấu tấm lòng của người dân Miền Nam đối với Bác. Những công trình xuất phát từ trái tim, từ tình cảm thiêng liêng ruột thịt mà đồng bào Nam bộ dành cho Bác Hồ. Không chỉ xây dựng đền thờ để bà con có nơi sớm hôm thắp nhang viếng Bác mà ngay tại gia đình những người dân với tấm lòng kính yêu Bác cũng đã lập bàn thờ để cúng Bác như những người thân trong gia đình.
Đó là Gian trưng bày bàn thờ Bác tại gia đình ông Cao Văn Đằng (Thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Năm 1969 qua radio, ông Cao Văn Đằng nghe tin Bác mất ông rất đau buồn. Dẫu chưa từng được gặp Bác, nhưng ông luôn dành một tình cảm yêu mến đối với vị lãnh tụ giản dị, gần gũi, hết lòng vì nước vì dân. Ông đã khóc Bác như khóc một người thân trong gia đình vừa vĩnh viễn đi xa.
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Cao Văn Đằng trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh Gia Tú.
Lúc ấy, ông quyết định âm thầm lập bàn thờ Bác, theo truyền thống từ 7 ngày đến 21 ngày, 49 ngày và 100 ngày. Từ đó đến sau này, năm nào đến ngày 02 tháng 9 gia đình ông cũng tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Thời đó với tấm lòng là chính, nhà có gì cúng nấy, khi thì con cá, khi thì hoa quả, sản vật cây trái trong vườn. Để làm cơm cúng Bác, ông dùng đầu trái bom xăng của địch làm gàu tát mương bắt cá, sau đó cất đi, đến kỳ giỗ năm sau mới đưa ra dùng lại.
Lễ giỗ năm 1970 khi ông vừa vừa đặt đĩa khoai cùng tấm ảnh chân dung Bác Hồ, bình bông lên nơi cúng rồi đưa tay lên cắm nén nhang vào lư hương (được làm bằng đầu trái pháo của địch), chưa kịp cúng vái thì bị một viên đạn từ bót Gò Cà bắn tới làm bị thương cánh tay phải. Dẫu thế, năm nào ông cũng tổ chức giỗ Bác đều đặn, bà con lối xóm dò hỏi, ông chỉ nói là giỗ ông nội.
Đến nay, tuy ông đã mất nhưng con cháu ông, địa phương cũng tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp này và tổ chức lễ giỗ cũng như lễ báo công dâng Bác hàng năm tại đây. Việc lập bàn thờ Bác Hồ và tổ chức lễ giỗ hằng năm không chỉ được gia đình ông Cao Văn Đằng tổ chức mà còn có sự chung tay của chính quyền địa phương và đông đảo bà con nhân dân nơi đây.
Chính quyền và nhân dân thị trấn Càng Long tổ chức giỗ và báo công dâng Bác năm 2019. Ảnh Minh Hùng.
Đây là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết, “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, đồng thời, vận động người dân luôn sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác và là nơi thể hiện tấm lòng của Nhân dân Miền Nam với Bác.
GIA TÚ