Tại lễ khai mạc, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev trang trọng đọc thư chào mừng hội nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong thư ông Putin khẳng định, MCIS-8 đã tập hợp những người đứng đầu Bộ Quốc phòng, những đại diện của Bộ chỉ huy cao cấp quân đội các nước, các chuyên gia hàng đầu về an ninh của các quốc gia để thảo luận các vấn đề và thách thức gay gắt nhất mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải. Mối quan tâm lớn của các quốc gia đã cho thấy MCIS nằm trong số diễn đàn có uy tín và được thừa nhận nhất về lĩnh vực an ninh. Năm nay, sự quan tâm của hội nghị là hàng loạt các vấn đề bức thiết trong đó có việc hỗ trợ khôi phục và bình thường hóa đời sống ở Syria và Iraq sau khi đánh bại các nhóm khủng bố; triển vọng, những diễn biến tình hình ở Châu Phi và Cận Đông… Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng hội nghị lần này sẽ diễn ra trong bầu không khí xây dựng, sẽ là đóng góp có sức nặng nhằm đoàn kết những nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, giải quyết các xung đột khu vực và bảo đảm an ninh toàn cầu, thực hiện những sứ mệnh gìn giữ hòa bình cần thiết.
Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Phát biểu tại lễ khai mạc còn có Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải Vladimir Norov; ông Jean-Pierre Lacroix, Phó tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề giữ gìn hòa bình trình bày bài phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Các phát biểu đều nhấn mạnh sự gia tăng của thách thức an ninh trên thế giới và khu vực, đồng thời cho rằng chỉ có những hợp tác trên tinh thần xây dựng và đoàn kết mới có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra.
Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 8 diễn ra trong hai ngày 24 và 25-4. Nội dung của MCIS-8 tập trung vào các vấn đề thách thức và mối đe dọa an ninh đương đại trên toàn cầu và ở khu vực, các mối đe dọa khủng bố trong điều kiện biến đổi của chúng; các phương pháp tiếp cận mới và hợp tác về quân sự; các khía cạnh khu vực của nền văn minh Châu Á, Châu Phi và Mỹ La-tinh, với 4 phiên họp toàn thể.
Phiên toàn thể 1 có chủ đề: An ninh trong thế giới đương đại: Các nhân tố khu vực và toàn cầu. Các chủ đề cụ thể: Các thách thức và mối đe dọa an ninh đương đại (an ninh biển, quân sự hóa vũ trụ, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chiến tranh phức hợp và cách mạng màu, an ninh mạng, các thách thức tại khu vực Bắc Cực); cân bằng lực lượng khu vực và an ninh toàn cầu, an ninh tại Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương; ngăn ngừa sự cố và an toàn trong hoạt động quân sự.
Phiên toàn thể 2 với chủ đề: Hậu quả của việc đập tan Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria (ISIS): Ổn định khu vực và chống các mối đe dọa khủng bố trong điều kiện biến đổi của chúng. Các chủ đề cụ thể: Tình hình hiện nay trong lĩnh vực an ninh khu vực Trung Đông và Bắc Phi; Hậu quả của việc đập tan ISIS (việc truyền bá tư tưởng khủng bố, việc các chiến binh khủng bố quay lại Châu Phi và Châu Á, các vấn đề về di cư bất hợp pháp, khôi phục hậu xung đột, hồi hương người tị nạn, rà phá bom mìn nhân đạo, triển vọng về một giải pháp chính trị tại khu vực).
Phiên toàn thể 3 là chủ đề: Gìn giữ hòa bình quốc tế: Các phương pháp tiếp cận mới và hợp tác quân sự. Các chủ đề cụ thể: Hệ thống gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; các cơ sở pháp lý của hoạt động gìn giữ hòa bình; kinh nghiệm và thực tiễn tốt của Bộ Quốc phòng các nước trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; năng lực quốc gia và sự phối hợp hành động với Liên Hợp quốc.