Những ngày tháng không quên
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi có dịp được gặp, trò truyện với ông Nguyễn Minh Giao về thời khắc lịch sử của địa phương và đất nước cách nay 45 năm: 30-4-1975. Lần giở từng trang của cuốn hồi ký về bản thân, ông đưa chúng tôi quay lại thời điểm sục sôi khí thế cách mạng của quân, dân Thủ Dầu Một nhất tề nổi lên giành chính quyền.
Ông Giao cho biết, cách đây 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, phát huy sức mạnh tổng hợp với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm” và phương châm “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” đã đồng loạt tiến công và nổi dậy tiến về Sài Gòn. Thời điểm tháng 4-1975 ông là cán bộ Tỉnh đoàn trực tiếp hoạt động ở TX.Thủ Dầu Một và là thành viên của Ban khởi nghĩa Thủ Dầu Một, phụ trách cánh quân nổi dậy trong lòng địch.
Tại Thủ Dầu Một, thực hiện chủ trương tổng tiến công và nổi dậy của Trung ương, sau khi giải phóng huyện Dầu Tiếng vào ngày 13-3-1975, ngày 18-4-1975, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng và UBND Cách mạng Thủ Dầu Một ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các cấp, các ngành, các vùng phát huy cao độ, quyết cùng đồng bào liên tục tấn công đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành toàn bộ chính quyền trong tỉnh về tay nhân dân. Đến ngày 29-4- 1975, nhiều địa bàn, khu vực quan trọng được giải phóng.
ực lượng lãnh đạo giải phóng tỉnh lỵ được chia thành 7 cánh do các đồng chí trong Ban Chỉ đạo khởi nghĩa tỉnh chỉ huy. Lực lượng khởi nghĩa của riêng TX.Thủ Dầu Một được chia thành 5 cánh: Cánh đông có nhiệm vụ đánh ty cảnh sát, phối hợp với các lực lượng bên trong tiếp quản Nhà việc Phú Cường; cánh bắc có nhiệm vụ chiếm xã Chánh Hiệp tiến thẳng về tỉnh lỵ; cánh nam được chia làm 2 mũi, mũi 1 có nhiệm vụ chiếm bót Kèn và ấp Chánh Ngoài, Chánh Trong, tiếp quản 2 ấp cùng căn cứ Gò Đậu, mũi 2 có nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ Nhà máy Đường Bình Dương, ấp Phú Thọ và Phú Văn; cánh tây có nhiệm vụ chiếm ấp Mỹ Hảo, Chánh Lộc và phát triển vào Thành Công binh. Riêng cánh quân còn lại có nhiệm vụ nổi dậy trong lòng địch và phối hợp với lực lượng bên ngoài.
Khoảng 6 giờ ngày 30-4, các lực lượng của ta pháo kích vào các mục tiêu trọng yếu của địch. Nhân dân các xã vùng ven cũng đồng loạt vùng lên trực tiếp tham gia nổi dậy giành chính quyền, tiếp quản các trụ sở của địch tại các địa phương.
Ông Giao nhớ lại: “Sau khi nghe Dương Văn Minh lên tiếng mời đại diện của cách mạng vào “bàn giao” chính quyền thì ở Bình Dương, Nguyễn Văn Của, Tỉnh trưởng ngụy quyền mở máy liên lạc với Ban Chỉ đạo, Chỉ huy tiền phương của tỉnh xin “bàn giao chính quyền” nhưng ta bắt phải đầu hàng. Trong tình thế tuyệt vọng, Nguyễn Văn Của cùng mấy tên tùy tùng đi trên 1 chiếc xe Jeep định rút lui về Sài Gòn nhưng bị ta pháo kích các ngả đường nên phải quay lại. Khi chúng ra tới ngã tư Gò Đậu thì bị 1 tổ nữ an ninh mật, do đồng chí Cẩm Vân phụ trách chặn giữ vào lúc 9 giờ 40 phút sáng ngày 30-4. Sau khi mũi tiến công vào nội ô thị xã, do đồng chí Tám Tấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh phụ trách đã chiếm xong ty cảnh sát, khám đường đã lập tức tiến lên cắm cờ tại tòa hành chính ngụy quyền tỉnh vào lúc 10 giờ 30 phút. Cũng vào thời điểm này, đoàn của đồng chí Bảy Tấn cũng cắm cờ trên nóc Nhà việc Phú Cường. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc nhà các cơ quan công sở địch. Trong niềm vui chiến thắng, nhân dân TX.Thủ Dầu Một đã treo cờ Tổ quốc và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam rợp các tuyến đường”.
Sáng mãi niềm tin
Sau ngày giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối, phát huy sức trẻ, ông Giao cùng các đồng chí, đồng đội bắt tay vào công cuộc kiến thiết lại địa phương. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của địa phương ở mỗi vị trí ông đều cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt công việc được giao.
Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn dõi theo từng bước phát triển của địa phương và vui mừng với những thành tựu của tỉnh hiện nay. Ông Giao cho rằng, 45 năm sau ngày giải phóng cũng là chặng đường mà Đảng bộ và nhân dân Sông Bé - Bình Dương phải trải qua bao khó khăn, thách thức. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo và khí phách anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân Sông Bé - Bình Dương luôn quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện sáng tạo các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu nổi bật, to lớn về kinh tế, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội.
Đặc biệt, trải qua 23 năm xây dựng vàphát triển, với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, biết tận dụng, nắm bắt thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tốt mọi nguồn lực và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã lãnh đạo địa phương tạo nên những thành quả đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của cả nước.
Ông Nguyễn Minh Giao kỳ vọng với đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, với niềm tự hào về truyền thống của quê hương anh hùng cách mạng luôn hiện diện trong trái tim và trí óc, đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh hiện nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần của Đại thắng mùa xuân năm 1975, năng động, bản lĩnh, giữ vững ngọn cờ cách mạng, đưa địa phương ngày càng phát triển. Ông Giao cũng tin tưởng rằng, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới, Đảng bộ tỉnh sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ để đề ra các quyết sách, các mục tiêu, nhiệm vụ đưa Bình Dương vươn lên tầm cao mới, qua đó cải thiện mạnh mẽ hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.