Một góc huyện Ngọc Lặc.
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Đô thị Ba Si, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040.
Khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Kiên Thọ; ranh giới cụ thể gồm: phía Bắc giáp xã Minh Tiến; phía Nam giáp huyện Thọ Xuân; phía Đông giáp huyện Thọ Xuân; phía Tây giáp các xã Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn.
Quy mô diện tích lập quy hoạch là 2.976,44ha. Đây là trung tâm tổng hợp của vùng phía Nam huyện Ngọc Lặc với các chức năng chủ yếu như: Thương mại dịch vụ, công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế... có vai trò thức đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực các xã phía Nam của huyện.
Dự báo đến năm 2030, dân số khu vực này khoảng 16.600 người; đến năm 2040 khoảng 21.800 người; dân số tái định cư 2.112 người.
Trong 2.976,45ha diện tích đất lập quy hoạch, dự báo diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 1.192,69ha (bao gồm: đất dân dụng 651,01ha và đất ngoài dân dụng 541,68ha); đất khác 1.783,76ha.
Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 1.482,88ha (bao gồm: đất dân dụng 699,03ha và đất ngoài dân dụng 783,85ha); đất khác 1.493,57ha.
Đô thị Ba si được xác định là trung tâm tổng hợp của vùng phía Nam huyện Ngọc Lặc, là khu vực có các tiềm năng đô thị hóa với các yếu tố tạo thị như các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh đi qua, từ đó tập trung phát triển khu vực trung tâm và lan tỏa dần tới các hướng kết nối với đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và vùng phía Tây huyện Yên Định. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ, hình thành cụm Lam Sơn Sao Vàng - Ngọc Lặc là trung tâm kinh tế xã hội của khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa là động lực để hình thành, phát triển đô thị Ba Si.
Đô thị Ba Si được phát triển theo mô hình phát triển theo tuyến, điểm trên cơ sở các khu vực hiện hữu với trục động lực đường Hồ Chí Minh là hành lang kinh tế (xa lộ nông nghiệp) trục kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An. Tập trung phát triển đô thị về phía Đông với khu vực trung tâm đô thị mới có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; khai thác hành lang xanh ven hệ thống kênh mương mặt nước, để hình thành các không gian đệm với các vùng đô thị khác.
Hướng phát triển đô thị là tập trung phát triển chủ yếu tại 02 khu vực có quỹ đất lớn tại khu vực phía Đông và phía Tây Nam đường Hồ Chí Minh theo hướng xây dựng các khu vực đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở khai thác liên kết từ tuyến đường Hồ Chí Minh và các trục kết nối...
Phát triển về phía Đông đường Hồ Chí Minh với các hệ thống hạ tầng xã hội như trung tâm hành chính, văn hóa - TDTT; công viên cây xanh, dịch vụ thương mại; đất ở đô thị. Cùng hành lang vành đai xanh phát triển nông nghiệp, dịch vụ sinh thái, du lịch văn hóa gắn với khu di tích lịch sử Lam Kinh.
Phát triển về phía Tây đường Hồ Chí Minh với các khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ hậu cần, nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao, khu dân cư hiện hữu và phát triển mới và văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch.
Đô thị phát triển theo 4 khu vực phát triển, trong đó Khu vực 1 là trung tâm đô thị mới, với chức năng gồm hệ thống các công trình dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng, các công trình hỗn hợp, gắn với các trục hoạt động chính, hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ.
Khu vực 2: khu vực phía Đông Nam là trung tâm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, đầu mối hạ tầng kỹ thuật; chức năng chính gồm khu dân cư hiện hữu, dịch vụ du lịch, các công trình nhà ở mật độ thấp, hệ thống công viên mặt nước.
Khu vực 3: Khu vực phía Tây là khu vực phát triển công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp CNC, đô thị mới, dân cư hiện trạng. Chức năng chính là các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp năng lượng.
Khu vực 4: Là khu vực sản xuất nông nghiệp gắn với dân cư hiện trạng, ưu tiên vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch trải nghiệm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Ngọc Lặc là một huyện cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực phía tây tỉnh Thanh Hóa. Huyện Ngọc Lặc có diện tích 490,99km2, dân số năm 2022 là 160.464 người, mật độ dân số đạt 327 người/km. |
Tâm An