Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) Thái Lan cho biết cơ quan này đang bước đầu nghiên cứu tính khả thi của Dự án nhà máy điện hạt nhân Thái Lan, tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng và lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ có công suất dưới 300 MW.
Những nhà máy này còn được gọi là những Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) với công nghệ tiên tiến, có độ an toàn cao, và bán kính giới hạn dưới 1 km. Mặc dù công nghệ SMR hiện có chi phí đầu tư cao hơn nhà máy nhiệt điện từ 2-3 lần, nhưng với tuổi thọ vận hành dài hơn lên tới 60 năm và chi phí nhiên liệu thấp hơn, SMR được cho là một khoản đầu tư đáng giá so với các nhà máy nhiệt điện chỉ có thể cung cấp điện trong thời gian 25 năm.
SMR được giới chuyên gia đánh giá là 1 lựa chọn khả thi cho Thái Lan với các ưu điểm như tiết kiệm chi phí, cần ít không gian và sử dụng lò phản ứng đúc sẵn an toàn hơn so với xây dựng tại chỗ. Nhiên liệu chính là uranium hay urani tuy không có nhiều ở Thái Lan nhưng có thể được nhập khẩu từ các nước như Mông Cổ, Ukraine và Australia.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), điện hạt nhân có thể giúp giảm đáng kể chi phí từ 4 baht xuống chỉ còn 2 baht cho mỗi đơn vị điện tiêu thụ. Thái Lan sử dụng khí đốt tự nhiên làm nhiên liệu chính để sản xuất điện. Tuy nhiên, do nguồn cung cấp này đang giảm dần, xứ sở chùa Vàng không chỉ cần tìm nhiên liệu mới mà còn phải cam kết nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch trong tổng sản lượng điện từ mức 20% trong năm 2023 lên 51% vào cuối năm 2037 theo Kế hoạch Phát triển Điện (PDP) 2024. Trong khi đó, Văn phòng Kế hoạch và Chính sách Năng lượng (EPPO) cho biết tính đến ngày 30/4 vừa qua, trữ lượng điện của Thái Lan là 25,8%, giảm so với mức 30,9% của năm ngoái.
Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng hạt nhân đầy đủ, sự chấp nhận của công chúng là yếu tố vô cùng quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy Dự án điện hạt nhân ở Thái Lan.
Khánh Chi