Ảnh minh họa.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, ByteDance - công ty mẹ của TikTok có thể bán chi nhánh TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk, với mục tiêu tích hợp nền tảng này vào mạng xã hội X để thu hút thêm người dùng. Tuy nhiên, đại diện TikTok nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Phát ngôn của TikTok cho thấy ban lãnh đạo mạng xã hội này không đồng tình với ý tưởng để Elon Musk tiếp quản. Elon Musk được biết đến với phong cách quản lý áp đặt và đã gây ra nhiều tranh cãi khi mua lại Twitter với giá 42 tỷ USD và đổi tên thành X. Sau thương vụ, Twitter rơi vào tình trạng hỗn loạn, điều mà TikTok không muốn lặp lại với "đứa con cưng" của mình.
Trong khi nhiều cuộc thảo luận chưa đạt kết quả cụ thể, TikTok tuyên bố rằng họ sẵn sàng chấp nhận đóng cửa tại Mỹ hơn là giao quyền quản lý cho Elon Musk. Điều này có thể khiến hơn 170 triệu người dùng và khoảng 7.000 nhân viên tại Mỹ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
TikTok hiện là một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới, nhưng không ít quốc gia đã cấm hoặc hạn chế hoạt động của nền tảng này như tại Ấn Độ đã cấm hoàn toàn TikTok từ năm 2020 với lý do lo ngại về nội dung không phù hợp hay vài năm trở lại đây các nước Afghanistan, Iran, Kyrgyzstan, Nepal cũng cấm với lý do tương tự.
Một số quốc gia như Anh, Pháp, Bỉ, Đan Mạch và các tổ chức thuộc Liên minh châu Âu cũng cấm nhân viên chính phủ cài đặt TikTok do lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Đặc biệt tại Trung Quốc, là quê nhà của ByteDance, nhưng TikTok không được phép hoạt động. Đồng thời, phát triển Douyin, một phiên bản riêng cho thị trường nội địa, với nội dung được kiểm soát chặt chẽ theo luật pháp Trung Quốc.
Lệnh cấm TikTok tại Mỹ đã làm dấy lên tranh cãi về quyền tự do cá nhân và sự phức tạp trong mối quan hệ giữa công nghệ, kinh doanh và chính trị. Trên lý thuyết, thương vụ bán TikTok cho Elon Musk có thể giúp nền tảng này tiếp tục hoạt động, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc tài trợ cho thương vụ, sự thân thiết giữa ông Musk và chính quyền Mỹ và sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bảo Minh