Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Tuổi Giáp Thìn
- Phan Đình Phùng (1844-1895) đỗ đình nguyên tiến sĩ, làm quan ngự sử. Ông là nhà thơ và là lãnh tụ Cần vương chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê ngót 10 năm đã gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu nhất là trận Vụ Quang (1894).
- Trần Phú (1904-1931) Tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương - sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đỗ đầu kỳ thi Thành Chung ở Huế, dạy học ở Nghệ An và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1926 sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp Nguyễn Ái Quốc bàn việc hợp nhất với Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927 được cử đi học đại học tại trường Phương Đông ở Mátxcơva. Năm 1929 về nước tham gia hoạt động. Năm 1930 được cử vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Cuối năm 1930 được bầu làm Tổng bí thư và là nguời đầu tiên viết luận cương của Đảng. Tháng 6-1931 bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Ngày 6-9-1931 qua đời tại Bệnh viện Chợ Quán, Sài Gòn. Câu nói nổi tiếng của ông “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” trước lúc ra đi làm bài học cho mọi thế hệ cách mạng.
- Nguyễn Lương Bằng (1904-1979): Nhà cách mạng, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô cũ (1952-1956), làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam (1969-1979).
- Đào Duy Anh (1904-1988): Nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông là tác giả “Hán Việt tự điển” và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử về về ngôn ngữ học, văn học.
Tuổi Bính Thìn
- Xuân Diệu (1916-1985): Nhà thơ tiêu biểu của thơ mới Việt Nam, nhà bình luận văn học xuất sắc.
Tuổi Mậu Thìn
- Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925): làm Đốc học, bỏ quan tham gia phong trào Đông Du với Phan Bội Châu.
Tuổi Canh Thìn
- Mạc Đĩnh Chi (1280-1350): Tự Tiết Phu, trạng nguyên làm quan đời Trần. Quê Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông làm quan qua 3 triều đại: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông, thăng đến chức Tả bộc xạ Đại liên ban. Ông được đi sứ 2 lần tại Trung Quốc. Ông nổi tiếng là người liêm khiết và có tài văn học, được các danh sĩ nước ngoài khen ngợi, khâm phục.
- Trương Định (1820-1864)): Tên thường gọi Trương Công Định. Anh hùng kháng Pháp. Ông sinh tại Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm lục phẩm. Từ đó, người đương thời gọi ông là Quản Định. Ông chỉ huy nghĩa binh chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn 1859-1864, không chấp nhận hòa ước cho Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông. Ông được Nhân dân tôn xưng là Bình Tây Đại Nguyên Soái.