Theo Trung tá La Nguyễn Thế Anh – Chính ủy Trung đoàn 31cho biết: Công tác tư tưởng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và kết quả huấn luyện Chiến sĩ mới của đơn vị. Do đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 31 đã xác định các nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác tư tưởng trong quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới. Theo đó, trước khi bước vào huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị chú trọng việc lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm, năng lực quản lý, chỉ huy, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao vào các khung huấn luyện. Tổ chức giao nhiệm vụ, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ phương pháp quản lý, huấn luyện; đặc biệt là kỹ năng, nghiệp vụ nắm, quản lý, xử trí các tình huống tư tưởng chiến sĩ mới cho cán bộ, khung huấn luyện. Bằng các biện pháp cụ thể như: Lấy phiếu tự thuật, gặp gỡ từng chiến sĩ để nắm trình độ, chất lượng chính trị, văn hóa, các mối quan hệ, tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, tạo sự thân thiện giữa cán bộ và chiến sĩ, giúp Chiến sĩ mới ổn định tư tưởng ngay từ những ngày đầu; chủ động liên hệ gia đình, địa phương để nắm đặc điểm của từng chiến sĩ, hoàn cảnh cụ thể từng gia đình. Qua đó, đơn vị tiến hành phân loại chất lượng chính trị, thống kê hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ; phân công cán bộ gặp gỡ, kịp thời động viên, giáo dục, định hướng tư tưởng cho chiến sĩ mới về trách nhiệm và nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của thanh niên; giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập vào đơn vị, ổn định tư tưởng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cán bộ tận tình chỉ bảo chiến sĩ mới trong sinh hoạt
Kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của chiến sĩ mới
Trong số các chiến sĩ mới nhập ngũ đợt này, có lẽ chiến sĩ Phan Chí Thiện thuộc Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 là trường hợp đặc biệt. Thiện sinh ra và lớn lên ở quê hương giàu truyền thống cách mạng huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Dù đã có vợ và con nhỏ 2 tuổi nhưng với trách nhiệm của người thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Thiện đã tự nguyện lên đường nhập ngũ. Khi mới nhập ngũ vào đơn vị, Thiện xác định rất tốt nhiệm vụ và an tâm tư tưởng học tập công tác. Tuy nhiên, khi nhắc đến vợ, con ở nhà, đồng chí vẫn không khỏi xúc động mà rưng rưng nước mắt. Nhưng sau những lần gặp gỡ, động viên của chỉ huy đại đội, nay Thiện càng an tâm tư tưởng hơn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thiện tâm sự: Tôi và các chiến sĩ mới an tâm tư tưởng thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian qua, chình là nhờ sự quan tâm, gần gũi, giúp đỡ tình tình, động viên kịp thời của đội ngũ cán bộ đơn vị. Từ chế độ báo thức buổi sáng đến huấn luyện và ngủ nghỉ, đội ngũ cán bộ tiểu đội, trung đội luôn sâu sát, gần gủi, đồng hành cùng chúng tôi, quan tâm từ sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ, như những người anh, người thân thật sự. Với những tình cảm đặc biệt của chỉ huy đơn vị làm cho chiến sĩ mới chúng tôi thêm tin yêu đơn vị, càng yên tâm tư tưởng, quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong quán trình huấn luyện chiến sĩ mới, một trong những yếu tố tác động tới tư tưởng chiến sĩ mới đó là cường độ huấn luyện cao, áp lực, với việc phải xa gia đình trong thời gian dài, tính kỷ luật nghiêm minh của quân đội. Đây là vấn đề đặt ra, cần có các biện pháp bảo đảm tính chủ động, kịp thời nắm và quản lý tốt tư tưởng chiến sĩ mới trong suốt quá trình huấn luyện.
Phút giải lao của chiến sĩ mới trên thao trường
Thượng úy Đinh Viết Quân – Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, là cán bộ có nhiều năm kinh nghiêm trong quản lý huấn luyện chiến sĩ mới, chia sẻ: Để chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập, an tâm tư tưởng hơn trong mỗi hoạt động, đơn vị đã chú trọng phát huy vai trò, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội trong quán triệt và thực hiện tốt 4 cùng bộ đội “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ” bằng việc làm cụ thể như: Sâu sát bám, nắm, giúp đỡ chiến sĩ mới hòa nhập đơn vị, cùng tham gia với chiến sĩ mới các hoạt động sinh hoạt, học tập, công tác đến việc chấp hành kỷ luật, hướng dẫn cách mang mặc quân phục, gắp xếp nội vụ, xưng hô, chào hỏi, cách cư xử với cấp trên, với đồng chí, đồng đội.... Khi quản lý, duy trì, huấn luyện phải đi từ dễ đến khó, không nóng vội, không đốt cháy giai đoạn, tạo điều kiện cho chiến sĩ từng bước thích nghi, hòa nhập và hoàn thiện bản thân, xây dựng niềm tin, phấn đấu vươn lên.
Với tinh thần quản lý chiến sĩ mới bằng “tình thương yêu và trách nhiệm”, với sự gần gũi, quan tâm, giúp đỡ, động viên, chia sẻ, nhất là việc “làm gương, làm mẫu” của cán bộ các cấp, đã tạo nên không gian cởi mở, thân thiện, đoàn kết; đơn vị thật sự là “ngôi nhà chung” để chiến sĩ mới an tâm tư tưởng học tập và công tác; giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với đơn vị, tạo niềm tin, động lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao.