Phóng viên (PV): Được biết, mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” đã phát huy hiệu quả trong công tác PCD Covid-19, đồng chí có thể giới thiệu đôi nét về mô hình này?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Với phương châm “xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp” và đặc thù tổ chức của lực lượng dân quân được xây dựng từ thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố, khu phố... gắn với từng gia đình, nên từ những năm 2000, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã xây dựng thí điểm mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” tại Bình Dương và Đồng Nai. Nội dung hoạt động của mô hình trên cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, biết từng người”. Từng đồng chí dân quân được giao phụ trách đến từng hộ gia đình, có nhiệm vụ bám sát, nắm chắc tình hình các gia đình mình phụ trách, như: Số nhân khẩu, nghề nghiệp chính của từng thành viên trong gia đình, sự biến động nhân khẩu, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương... Từ đó, góp phần cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ xung kích ở cơ sở, bảo vệ địa bàn, phòng, chống thiên tai và các hoạt động công ích, xã hội khác.
![](/fileman/Uploads/tbNews/24395/thumb/01-24.jpg)
Mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” đang hoạt động hiệu quả tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương vùng biên giới. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ PCD Covid-19 thì mô hình càng thể hiện rõ lợi thế, phát huy tốt những ưu điểm, giúp công tác PCD hiệu quả hơn.
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về hiệu quả của mô hình này trong công tác PCD Covid-19 tại các địa phương?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Thời gian qua, lực lượng DQTV trên cả nước đã tích cực tham gia vào công tác PCD. Nhanh chóng, chính xác, phát hiện, khoanh vùng sớm là yếu tố quan trọng trong việc khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Với mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình”, từng đồng chí dân quân đã nắm chắc tình hình khu vực mình quản lý, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, biết từng người” nên đã góp sức đắc lực cùng các lực lượng chức năng nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa, kịp thời phát hiện F0, truy vết các trường hợp diện F1, F2 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Không những thế, khi có tình huống cách ly, phong tỏa, các chiến sĩ dân quân còn tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự, tuần tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào khu dân cư; tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất, phục vụ nhân dân trong khu vực phong tỏa; vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các gia đình phải cách ly tại nhà; giúp người dân khu vực phong tỏa, những hộ khó khăn do dịch Covid-19 thu hoạch, tiêu thụ nông sản; giám sát và hướng dẫn, tuyên truyền, chia sẻ, động viên tinh thần, giúp bà con yên tâm tuân thủ quy định PCD... Có thể nói, lực lượng dân quân là một mắt lưới quan trọng trong PCD, góp phần “đánh giặc Covid-19” từ trong tâm dịch, từ mỗi xóm, thôn, tổ dân phố...
![](/fileman/Uploads/tbNews/24395/thumb/03-2.jpg)
hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: XUÂN CƯỜNG.
PV: Quá trình thực hiện mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng DQTV nói chung, dân quân ở xã, phường nói riêng có thuận lợi trước hết là hệ thống pháp luật về DQTV hiện nay tương đối đầy đủ, đồng bộ và thống nhất; đồng thời, luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân. Mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” có thuận lợi là dân quân sinh sống và hoạt động tại địa phương nên hiểu rõ phong tục, tập quán, thông thuộc địa bàn, gần gũi, gắn kết với bà con nên dễ được bà con cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc phân công cụ thể từng đồng chí dân quân phụ trách gia đình, nhóm gia đình giúp mỗi người chủ động, trách nhiệm, sát sao hơn trong công việc, phát huy tốt vai trò, khả năng của từng cá nhân nên hiệu quả công việc cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì quá trình thực hiện mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” cũng gặp những khó khăn nhất định, như: Lực lượng dân quân tại một số địa phương còn mỏng, trong khi khu vực thành phố thì mật độ dân cư đông, tính chất di biến động dân cư cao; còn ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn sinh sống của bà con phân tán khiến lực lượng dân quân phụ trách vất vả hơn trong việc nắm bắt tình hình ở cơ sở. Bên cạnh đó, trang bị, phương tiện cơ động cho lực lượng dân quân chưa được đầu tư đồng bộ, chủ yếu phải cơ động thực hiện nhiệm vụ bằng xe máy cá nhân. Các chế độ, chính sách bảo đảm, đãi ngộ cho lực lượng dân quân khi thực hiện nhiệm vụ mặc dù đã được các cấp quan tâm nhưng thực tế còn thấp so với mặt bằng ngày công lao động phổ thông chung của xã hội. Đó cũng là khó khăn chung của lực lượng dân quân hiện nay.
![](/fileman/Uploads/tbNews/24395/thumb/02-2.jpg)
rau, củ, quả cung cấp cho bà con trong khu vực đang phong tỏa để ngăn chặn
sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: DUY NGỌC.
PV: Từ thực tế trên, Cục DQTV sẽ tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mô hình này hoạt động có hiệu quả và mở rộng áp dụng tại nhiều địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với cấp trên chỉ đạo tổ chức tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của mô hình, rút kinh nghiệm, làm rõ những ưu điểm cũng như những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Trên cơ sở đó xem xét, đề xuất với cấp trên để có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng dân quân hoạt động, đồng thời bổ sung, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa quân đội, công an và DQTV sát với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp quy định của trên, tránh chồng chéo nhiệm vụ.
Chúng tôi nhận định, mô hình “Dân quân phụ trách hộ gia đình” gắn liền với chức năng, nhiệm vụ, sở trường, môi trường hoạt động của lực lượng dân quân, không chỉ trong công tác PCD Covid-19 hiện nay mà còn trong nắm tình hình địa bàn, phối hợp với các lực lượng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Mô hình này cũng giúp lực lượng dân quân phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện “4 tại chỗ” của các địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát huy những điểm tích cực, có biện pháp khắc phục những bất cập để phát triển, tính đến nhân rộng mô hình này trong lực lượng dân quân cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!