(QK7 Online) - Ngày 5-12, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Quân khu 7 (10/12/1945 - 10/12/2023); 77 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023); 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023); 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2023), Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp Cục Chính trị Quân đoàn 4 tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa”.
Đến dự khai mạc triển lãm có Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7; Thủ trưởng các cơ quan Quân khu; Đại tá Nguyễn Trần Long, Phó Chính ủy Quân đoàn 4; đại diện các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trên địa bàn.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Triển lãm trưng bày giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được chia làm 3 phần gồm: “Thư, nhật kí chiến trường”; “Cuộc chiến thời bình” và phần “Bộ sưu tập Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Triển lãm được tổ chức từ ngày 5-12 đến ngày 29-12-2023 tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.
Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp Cục Chính trị Quân đoàn 4 tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa”.
Từ thư, nhật kí chiến trường
Một trong số những hình ảnh được nhiều người quan tâm tại triển lãm đó là lá thư của Bác Hồ gửi tới đồng bào Nam Bộ. Mỗi lá thư Người gửi cho Nhân dân Nam Bộ đều chứa đựng sự quan tâm, chia sẻ và những lời động viên chân tình. Ngày 19-3-1968, mặc dù sức khỏe của Bác yếu đi nhiều, song Bác vẫn gửi thư khen ngợi đồng bào và chiến sĩ miền Nam: “Gửi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Một lần nữa, Bác nhiệt liệt khen ngợi những chiến thắng vẻ vang của bộ đội và đồng bào miền Nam anh dũng”. Từng câu, từng chữ của Người là nguồn động viên to lớn để đồng bào miền Nam vững tin vào cách mạng, kiên cường chống giặc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu và các đại biểu tham quan triển lãm.
Những trang nhật ký vô cùng đặc biệt của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Nguyên Chính ủy Quân đoàn 4 được viết ngay tại Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975. Cảm xúc như vẫn còn vẹn nguyên, đó là niềm vui vỡ òa, niềm tự hào để lại dấu ấn không phai trong ký ức của vị tướng đã đi suốt cuộc trường chinh giải phóng Sài Gòn, hoàn thành lời thề độc lập.
Tại triển lãm, lá thư của Bác Hồ gửi tới đồng bào Nam Bộ được nhiều người quan tâm.
Bên cạnh nhật kí, những lá thư từ chiến trường chứa đựng biết bao tình cảm, ước nguyện. Qua mỗi dòng thư, tâm tư tình cảm, cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của người chiến sĩ hiện lên thật sinh động. Dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng tựu chung ở họ đều toát lên tinh thần lạc quan, ý chí vượt mọi gian khổ, lý tưởng cao đẹp. Nhiều người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, nhưng bút tích của họ là minh chứng về sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bức thư “ Gửi lại người đang sống” tại triển lãm.
Khách tham quan ấn tượng, xúc động qua bức thư “ Gửi lại người đang sống” của 3 liệt sĩ Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí, Trần Viết Dũng, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký con”, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam. Những bí ẩn về sự hy sinh của 3 chiến sĩ được giải mã bằng 1 bức thư bọc gói kỷ càng trong nilông và được cột chặt ở đầu võng. Những dòng thư đưa người đọc trở lại sự kiện cách đây gần 58 năm. Ngày đó, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã ở Bông Trang - Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vào tháng 2-1966, trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội 11 người trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng được phân công nghi binh đánh lạc hướng địch để trung đoàn rút về an toàn. Sau những ngày băng rừng lội suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rãi thảm của B52, 8 người đã hy sinh. Vượt qua những ngày đói khát và mang trên mình đầy thương tích, 3 chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết dừng lại và chọn khu rừng làm nơi an nghỉ cuối cùng. Sau khi các anh giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất tư thế nằm, sắp xếp vài đồ vật còn lại. Các anh dồn hết sức lực để viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy sinh của đồng đội, những tình cảm thân thương da diết với bố mẹ, vợ con, người thân, quê hương… bày tỏ niềm tin vào cuộc kháng chiến chống Mỹ nhất định sẽ thắng lợi.
Trung tướng Trần Hoài Trung và các đại biểu tham quan triển lãm sách.
Sau ngày đất nước thống nhất, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Trong đợt triển lãm này lưu giữ bức thư của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi động viên cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia và bức thư cảm ơn của ngài Hunsen, cựu Thủ tướng Vương quốc Campuchia rất ý nghĩa: “Tôi không thể nào quên được những công lao và mọi sự hợp tác quý báu của các bậc lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ tôi cả về tinh thần lẫn vật chất…. góp phần tăng thêm trí lực cho tôi trong lãnh đạo chỉ huy lực lượng và đi đến cuối cùng là đã giải phóng Nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng vào ngày 07-01-1979”.
Thư, nhật ký quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia.
Học sinh hào hứng tham quan tại triển lãm.
Đến những bức thư thời bình
Chiến tranh lùi xa, những lá thư tưởng chừng bị mai một, song nó vẫn giữ được vị thế tại từng thời điểm hiện nay. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong cuộc chiến đầy cam go, cận kề nguy hiểm với dịch bệnh, những lá đơn tình nguyện của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng xung kích sẵn sàng tham gia tuyến đầu chống dịch vì sự bình yên của Nhân dân. Bên cạnh đó là những bức thư đong đầy yêu thương gửi đến lực lượng nơi tuyến đầu đang ngày đêm nỗ lực căng mình chống dịch là minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trở thành sức mạnh giúp toàn quân và toàn dân ta chiến thắng đại dịch Covid-19. Những lá thư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội gửi tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước nêu cao quyết tâm chiến thắng đại dịch. Những cuốn sổ nhật kí, đơn tình nguyện tham gia lực lượng phòng chống Covid-19 của LLVT, những lá thư cảm ơn bày tỏ tình cảm của Nhân dân cả nước với sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch… Tất cả đều mang những ý nghĩa sâu sắc, đang được triển lãm tại Bảo tàng Quân khu.
Triển lãm những lá thư mang nhiều ý nghĩa thời Covid-19.
Đồng hành cùng chiến sĩ
Trong đợt triển lãm lần này, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ giới thiệu bộ sưu tập Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam gồm 42 số bản gốc, 66 số bản photo và một số kỷ vật của cán bộ, phóng viên Báo Quân giải phóng trong quá trình tác nghiệp tại chiến trường.
Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu trao thư cảm ơn Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài cùng gia đình tặng bộ sưu tập Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và nhiều hiện vật quý tại Bảo tàng Quân khu.
Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ động viên đồng bào, các LLVT nhân dân trên khắp chiến trường miền Nam anh dũng chiến đấu, Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định xuất bản tờ báo của LLVT giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam và đặt tên là Báo Quân giải phóng - Tiền thân của Báo Quân khu 7.
Bộ sưu tập Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam triển lãm tại Bảo tàng Quân khu.
Trong gần 12 năm hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta (1963 - 1975), Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam xuất bản được 338 số (gồm cả những số không in ra giấy được mà chỉ giới thiệu và đọc trên đài phát thanh). Tờ báo đã tỏ rõ là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, kịp thời tuyên truyền chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền đến với cán bộ, chiến sĩ, vạch trần tội ác của Mỹ ngụy, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng; động viên, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ anh dũng chiến đấu.
Có những thời điểm địch càn quét, đánh phá ác liệt, Báo Quân giải phóng không thể in ấn, phát hành đến tay cán bộ, chiến sĩ, nhưng thông qua Đài Phát thanh Giải phóng, những tin tức, bài viết của Báo vẫn được lan tỏa đến khắp cả trong và ngoài nước, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, góp phần quan trọng, khơi dậy niềm tin chiến thắng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Báo Quân giải phóng ra số báo cuối cùng ngày 15-8-1975, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Báo Quân khu 7 được hình thành trên cơ sở kế thừa nền tảng truyền thống Báo Quân giải phóng, là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, tiếng nói của Lực lượng vũ trang Quân khu 7, diễn đàn của Nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Triển lãm thu hút rất đông cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và Nhân dân đến tham quan.
Ngay trong buổi khai mạc triển lãm thu hút rất đông cán bộ, chiến sĩ từ các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu; đại diện các sở, ban, ngành các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn; học sinh, sinh viên và Nhân dân đến tham quan.
Triển lãm góp phần tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ; tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đồng thời, góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Hiện nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển, trong môi trường Quân đội các đơn vị vẫn tổ chức cho chiến sĩ viết thư về thăm gia đình, người thân. Qua đó cho thấy thư vẫn luôn giữ vị trí ý nghĩa rất riêng về mặt tinh thần và khó có thể thay thế bằng hình thức thông tin khác.
Lê Hoan