Nhịp sống luôn không ngừng phát triển và thay đổi, nên ta phải đành chấp nhận những cái mất đi và những điều thay thế. Nhưng những mùa dưa hấu tết trong kí ức tôi thì mãi mãi vẫn là di sản.
Cứ mỗi độ tiết trời vào xuân, không khí tết tràn về là trong tôi lại cứ nao nao nhớ về mùa trồng dưa hấu tết cùng cha thời nhỏ.
Cha tôi là một nông dân chính hiệu, nên ngày tháng vụ mùa được cha sắp xếp rành mạch theo ý mình như chuyện trong lòng bàn tay.
Để chuẩn bị cho mùa dưa tết, cha tôi bắt đầu tính toán ngày giờ cấy trồng từ vụ lúa. Sau khi lúa chín, gặt hái xong thì tới lượt chặt gốc rạ rồi rải rơm, xong tới định ngày giờ để tỉa hột dưa. Cha tính làm sao mà dưa hấu phải chín vào khoảng từ 24 đến 26 tháng 12 (âm lịch) là vừa, để bán cho bà con mua về chưng tết. Thường thì mỗi vụ dưa tới lứa đều có thương lái đến tận rẫy mua. Nhưng cũng có người tự đem dưa ra chợ bán.
Có thể nói trồng dưa hấu tuy thời gian chăm sóc không dài nhưng công sức đầu tư thì không ít. Bù lại bên cạnh cái cực nó luôn có những điều thú vị mà người trong cuộc mới tận hưởng được. Tôi thích nhất là thời điểm để trái dưa. Đó là lúc mà cha và tôi phải hoạt động hết sức lực của mình để chọn lựa những trái dưa nào tròn, cuống tốt, dây khỏe thì để lại. Một dây dưa hấu thời điểm để trái có thể nó ra một lượt từ 3 đến 4 trái cùng một lúc. Vì vậy người trồng phải rất vất vả trong việc chọn lựa trái tốt để và phải làm xong đám dưa của mình trong thời gian thật nhanh, vì dưa hấu là loại hoa màu khá ngắn ngày.
Từ khi bắt đầu xuống hạt đến ngày thu hoạch chỉ khoảng hai tháng. Tôi với cha cứ loay hoay suốt ngày ngoài đám dưa, hết để trái thì làm cỏ, còn không thì đi sửa cho trái dưa nằm đúng theo ý mình. Như vậy trái dưa mới đẹp khi nó được đem ra chợ bán. Cứ ở suốt ngoài đám dưa nên hễ tới mùa dưa hấu là tôi lại bị đen vì phơi nhiều ngoài nắng.
Những ngày dưa sắp chín thì cha tôi lại cất thêm cái chòi giữa rẫy để ngủ giữ dưa. Cái chòi chỉ tạm vừa đủ để giăng cái mùng. Ngủ ngoài chòi dưa sương khuya khá lạnh. Nhưng trong cái làn sương se lạnh ấy có cả mùi của rơm, mùi của hương đồng, gió nội, mùi của những quả dưa vì quá dư phân dư nước nên ban đêm nó hả họng ra cười khoe ruột mình đỏ tươi. Sáng sớm thức dậy tranh thủ xách cặp thùng đi tưới dưa như tập thể dục cho bớt lạnh và ngồi tét mấy trái dưa bị nứt ra ăn thì kể như no bụng luôn buổi sáng.
Những ngày dưa sắp chín mới là thời kỳ càng thích thú. Tôi cứ long nhong ngoài đám dưa để xem từng trái dưa cạnh tranh nhau khoe làn da nổi bóng ngời ngồi lún cả mặt rơm. Tôi đi từng hàng dưa chọn những quả dưa bóng đẹp nhất và to nhất mà làm dấu. Hễ khi cha tôi phát lệnh thu hoạch là tôi chạy thẳng đến những trái dưa mà tôi làm dấu khi trước hái rồi hì hục ôm về nhà.
Ngày tết, nhìn trái dưa tôi chọn chưng trang trọng trên bàn thờ tổ tiên ông bà mà thấy thỏa dạ vô cùng. Còn những trái dưa khác không đem chưng thì khách đến nhà xẻ ra ăn. Nhìn ruột dưa chín đỏ tươi và thưởng thức từng miếng dưa ngọt lịm ấy ai cũng khen làm tôi thật sự thấy vui khi đổi những giọt mồ hôi nhọc nhằn bên liếp rẫy.
Mùa xuân đã về, gió tết reo vui. Chợ lại đầy những quả dưa mời gọi. Tôi cũng chen chân tìm mua những quả dưa ưng ý về chưng tết. Tay ôm quả dưa, nhưng sao lòng cứ bồi hồi khắc khoải, cứ luôn nhớ về những ngày tháng đã qua bên mùa dưa tết cùng cha.