19 tuổi, cô thiếu nữ Hà Nội lên đường nhập ngũ tại Quân y Viện 4, Phú Thọ (tháng 9/1952), đến tháng 7/1953, bà Nga xung phong ra chiến tuyến cùng lực lượng dân công hỏa tuyến vào chiến trường Điện Biên phục vụ chiến dịch với nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng bệnh binh. Để tới được cứ điểm, bà cùng với hàng trăm y tá, điều dưỡng khác phải hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên. Bà kể: “Để tránh bị địch phát hiện, chúng tôi hành quân thâu đêm. Do đường rừng lắm dốc quanh co, trơn trượt, đèo cao, suối thẳm nên cứ hành quân 2 giờ đồng hồ, chúng tôi lại nghỉ 10 phút. Người sau bám theo người trước, nối nhau cứ thế mà đi, vất vả không kể xiết nhưng tất cả đều có chung niềm tin vào một ngày toàn thắng”.
Ở Đội điều trị DT9, bà và các đồng đội cùng quản lý, phụ trách và chăm sóc 400 thương binh được chia làm 2 khu bị thương nhẹ và khu bị thương nặng. Hai khu cách nhau khá xa và nằm trên đồi cao, địa hình núi rừng hiểm trở, khó khăn trong việc di chuyển. Bên cạnh đó, tất cả việc cứu chữa, điều trị cho các thương binh đều thực hiện trong đường hầm có độ sâu khoảng 2 mét, hai bên thành hầm lại đào thêm các hầm hàm ếch để thương binh nằm, chỉ để lại một khoảng trống nhỏ cho lối đi. Vào những ngày mưa lớn, đường hầm lầy lội, ẩm ướt, do vậy, công tác chăm sóc hàng ngày cũng khó khăn, gian khổ gấp bội phần.
Bà nhớ lại: “Bộ đội ta nhiều người bị thương nặng, nếu không được xử lý kịp thời sẽ nhiễm trùng, hoại tử gây đau đớn. Ngoài ra, tất cả quần áo của bác sĩ, y tá đều được nhuộm màu tối để tránh làm kích động, co giật đến các bệnh nhân mắc bệnh uốn ván. Có những thời điểm ngặt nghèo, thiếu thốn, cả đội điều trị phải ăn lá tàu bay, trái cây rừng cho qua bữa để dành gạo cho thương binh”.
Trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, bà Nga và các chiến sĩ quân y gần như không có giấc ngủ nào trọn vẹn, ngày đêm bám sát trận địa với bộ đội, miệt mài chăm sóc thương binh. Dưới ánh đèn “măng xông”, hết thay băng, cầm máu, các nữ dược tá ở đội điều trị còn pha chế tại chỗ để có đủ dịch truyền cho thương binh, dù mệt đến đâu cũng chỉ tranh thủ chợp mắt một vài phút rồi lại thay phiên nhau trực. Để đảm bảo bí mật, việc đun nước nóng rửa vết thương cho bộ đội mỗi ngày cũng chỉ thực hiện vào buổi tối, che kín ánh sáng, tránh máy bay địch phát hiện. Đối với những tình huống khẩn cấp, lượng thương binh nhiều, bà và các điều dưỡng, y tá khác còn kiêm luôn nhiệm vụ tải thương. Trong đêm tối, những con người cứ thế mà đi, băng qua bom đạn, khói lửa quân thù, vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh để đưa được thương binh về an toàn.
Ngoài nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc, những người lính quân y còn là chỗ dựa về tinh thần cho thương binh, để họ không có cảm giác bị bỏ rơi, nhiều thương binh sau thời gian điều trị về lại đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu. Đặc biệt, khi kết thúc chiến dịch, bà Nga và một số người trong đội điều trị còn tham gia chăm sóc, cứu chữa cho cả những tù binh Pháp tại các cứ điểm, hầm, hố trước khi trao trả lại cho thực dân Pháp theo chính sách khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ Việt Nam.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tháng 9/1954, sau khi trao trả tù binh ở Tuyên Quang, đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, bà nhận công tác ở Bệnh viện Phân viện 9 (Vĩnh Phúc) rồi chuyển sang Viện Quân y 105 (Sơn Tây) khi hoàn thành xong khóa học dược sĩ. Đến năm 1977, bà vào Nam và công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115. Sau khi nghỉ hưu (1985), bà vẫn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như Tổ trưởng tổ dân phố; Tổ hòa giải; Hội trưởng Hội phụ nữ. Dù ở cương vị nào, bà vẫn luôn làm tốt và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, của một người điều dưỡng Điện Biên năm ấy.