(QK7 Online) – Dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh trên địa bàn, LLVT Quân khu 7 đã góp phần quan trọng giúp các địa phương từng bước kiểm soát, đẩy lùi. Đồng hành với LLVT Quân khu trong lúc khó khăn là sự góp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm – những người đã ủng hộ nhiều nguồn lực thời gian qua.
Phóng viên báo Quân khu 7 có cuộc trao đổi với doanh nhân Lê Thị Tố Nga, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Thiên Nga. Chị là một trong những người có đóng góp lớn cho các hoạt động hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân có hoàn cảnh khó khăn của LLVT Quân khu.
Giám đốc Lê Thị Tố Nga tặng quà cho Ban CHQS Quận 6, TP.HCM.
Sản xuất nhiều nhất, nhanh nhất để hỗ trợ người dân
Phóng viên: Xin chào chị. 2 năm qua, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động của LLVT Quân khu 7 hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân đều có sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty Thiên Nga, chị thấy hành trình đó có ý nghĩa như thế nào?
Chị Lê Thị Tố Nga: Từ năm 2020, qua 4 lần bùng phát dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người dân. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, với trách nhiệm của mình, Công ty Thiên Nga đã nhanh chóng vào cuộc, đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM và các đơn vị trong LLVT Quân khu 7 huy động nguồn lực hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Qua mỗi chuyến đi, giúp tôi hiểu rõ những vất vả, hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng Quân đội, công an; vai trò, nhiệm vụ của LLVT Quân khu 7 trong hỗ trợ chính quyền và người dân các tỉnh trên địa bàn phòng chống dịch; tin tưởng vào sự lan toả của các hoạt động “chống dịch, cứu dân” mà Quân khu 7 đang thực hiện. Đó cũng chính là động lực để Công ty Thiên Nga tập trung sản xuất nhanh nhất, nhiều nhất các mặt hàng tiêu dùng góp sức cùng cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 tổ chức các chương trình hỗ trợ người dân.
Phóng viên: Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng Công ty Thiên Nga luôn dành nguồn lực nhất định cho công tác an sinh xã hội. Quan điểm của chị về vai trò của doanh nhân trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh như thế nào?
Chị Lê Thị Tố Nga: Thấu hiểu quan điểm của Chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp là “Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi để sản xuất, kinh doanh Công ty Thiên Nga luôn có gói an sinh xã hội thực hiện các chương trình: Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, đóng góp quỹ học bổng và tặng quà cho bà con nghèo vui Xuân, đón Tết.
Khi dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân Công ty Thiên Nga xác định hoạt động sản xuất kinh doanh lúc này là không đặt vấn đề lợi nhuận, khắc phục mọi khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, chuẩn bị các nguồn nguyên liệu dự phòng để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân với giá thành hợp lý. Đây là những việc làm thiết thực đóng góp chung vào nhiệm vụ phòng chống dịch. Tinh thần đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, vì vậy rất cần sự chung tay, góp sức của toàn dân trong cuộc chiến này. Là một doanh nhân tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình nhiều hơn.
Chương trình “100.000 phần quà hỗ trợ người dân khó khăn” của Bộ Tư lệnh TP.HCM có sự đồng hành của Công ty Thiên Nga.
Phóng viên: Được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì những đóng góp của Công ty Thiên Nga trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Bộ Quốc phòng đối với chị và công ty, những đóng góp cụ thể là gì?
Chị Lê Thị Tố Nga: Hiểu được ý nghĩa nhân văn của Chương trình “100.000 phần quà hỗ trợ người dân khó khăn” do Bộ Tư lệnh TP.HCM triển khai, Công ty Thiên Nga đã cung cấp các mặt hàng: Mỳ ăn liền, gạo, nước mắm và nước tương với giá bán giảm từ 10 – 30% so với thị trường. Sau thời gian ngắn tập trung sản xuất, ngày 8/8/2021, các phần quà đã được cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM chuyển đến tận nhà người dân. Sau đó công ty tiếp tục sản xuất 120.000 phần quà cho Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 để kịp thời trao tặng cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An. Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi đã thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; điều chỉnh thời gian cung cấp đơn hàng của các nhà phân phối và vận động các nhà cung cấp không tăng giá nguyên liệu để dồn tất cả nguồn lực sản xuất cho chương trình.
Trong thời gian cao điểm công ty dành nguồn kinh phí gần 10 tỷ đồng hỗ trợ gạo, trứng gà, sữa và 500 tấn rau, củ, quả thực hiện các chương trình “Phiên chợ 0 đồng”, “ATM gạo” và cung cấp cho các bếp ăn từ thiện. Công ty cũng dành tặng riêng 2.000 phần quà để đồng hành với LLVT Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lúc này tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao đóng góp nhiều nhất để hỗ trợ người dân. Chính động lực đó đã thôi thúc tôi và tập thể cán bộ, nhân viên công ty xung kích “3 tại chỗ” suốt hơn 3 tháng. Chúng tôi đã đồng hành cùng LLVT Quân khu 7 từ những ngày đầu tiên và chiến đấu như những người lính thực thụ.
Vinh dự là “Người lính không mang quân hàm”
Phóng viên: Được cán bộ, chiến sĩ gọi chị là “Người chiến sĩ không quân hàm” chị thấy điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Chị Lê Thị Tố Nga: (Cười) Chị thấy rất vui vì điều đó. Trước hết, xuất phát từ truyền thống gia đình tôi đã thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người lính trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Trong sản xuất kinh doanh, tôi xác định doanh nhân cũng là một người lính, đã là người lính thì khi ra trận chỉ có tiến, không có lùi. Lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, tôi rời văn văn phòng công ty xuống nhà máy tại Long An cùng ăn, ngủ và làm việc với anh chị em công nhân. Vì ở trong tâm dịch nên phải xử lý nhiều tình huống phát sinh bất lợi, tuy nhiên tôi đều chủ động các phương án dự phòng, giải quyết nhanh gọn các phát sinh và hoàn thành công việc công ty đã cam kết thực hiện. Có lẽ vì tính cách đó mà mọi người luôn coi tôi như một người chiến sĩ – “chiến sĩ không đeo quân hàm”.
Giám đốc Lê Thị Tố Nga kiểm tra chất lượng sản phẩm tại nhà máy sản xuất mì ăn liền.
Phóng viên: Là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, nhưng chị lại tự nhận thấy mình có duyên với bộ đội. Chị thấy cái duyên đó xuất phát từ đâu?
Chị Lê Thị Tố Nga: Tôi thấy cái duyên đến rất tự nhiên, xuất phát từ sự chung sức của công ty Thiên Nga trong các hoạt động xã hội với LLVT Quân khu 7 và tình cảm quý mến của tôi đối với cán bộ, chiến sĩ. Những gian khó trong thời gian đỉnh điểm vừa qua làm cho tôi hiểu sâu sắc hơn về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là tình quân – dân gắn bó keo sơn. Tôi sẽ tiếp tục nối cái duyên đó đối với các hoạt động của công ty trong thời gian tới.
Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Gia Tú, Kim Thắng (thực hiện)