(QK7 Online) - Cùng với các căn cứ quân sự, chính trị khác trong nội đô Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất luôn là mục tiêu tiến công của Quân Giải phóng, đặc biệt là lực lượng đặc công biệt động.
Năm 1962, khu chứa nhiên liệu của sân bay Tân Sơn Nhất bị Quân Giải phóng tập kích. Phúc trình của Bộ trưởng Công chánh và giao thông gửi Tổng thống Việt Nam cộng hòa viết: “Vào hồi 2h30 sáng nay (25-6), tại khu vực dành riêng cho Công ty dầu ESSO trong phạm vi phi trường Tân Sơn Nhứt đã xảy ra 4 vụ nổ… Kẻ phá hoại đã xếp đặt rất tỉ mỉ để mong thành công trong việc này”.
Lô cốt đầu cầu án ngữ cổng vào sân bay bị Tiểu đoàn 16 phá hủy năm Mậu Thân 1968
Ảnh: Tư liệu
Năm 1964, câu lạc bộ sân bay bị Pháo kích. Sau sự kiện Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Quân Giải phóng tập kích nhiều sân bay ở miền Nam để trả thù cho đồng bào miền Bắc bị Mỹ ném bom. Theo báo cáo của Bộ Công chánh và giao thông gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cộng hòa về việc sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích ngày 18-11, có 6 quân nhân Hoa Kỳ và 1 nhân viên quân sự Sứ quán Anh thiệt mạng.
Năm 1966, đêm 12-6, sân bay Tân Sơn Nhất bị tập kích bởi Tiểu đoàn 8 pháo binh Quân khu Sài Gòn – Gia Định, lực lượng biệt động và bộ đội địa phương Bình Tân. 400 trái đạn pháo cối rơi trúng khu vực để máy bay quân sự, 67 máy bay các loại bị cháy hoặc hư hỏng nặng. Cùng năm, ngày 4-12, Tiểu đoàn 6 Bình Tân cùng lực lượng biệt động Sài Gòn tập kích sân bay trong lúc Mỹ đang tập trung 5.000 quân bên ngoài để triển khai cuộc càn Cédar Falls; làm hư hại 150 máy bay, phá hủy một kho bom 200 tấn, bắn cháy 13 xe cơ giới.
Năm 1968, trong cuộc tổng tiến công của Quân Giải phóng, sân bay Tân Sơn Nhất bị tập kích (bởi Trung đoàn 16, Tiểu đoàn 268, Tiểu đoàn đặc công 12). Nhiều cơ sở vật chất, trang bị không quân bị hư hại nặng.Chính quyền Sài Gòn phải ưu tiên giành một phần kinh phí để sửa chữa hàng loạt sân bay quân sự và dân sự, đồng thời trang bị thêm một số thiết bị nhằm mở rộng hoạt động hàng không dân dụng, thu lợi nhuận bù đắp vào nền kinh tế vốn bị lệ thuộc nặng nề vào nước Mỹ giờ đây đang trở nên khó khăn. Tính riêng ngân sách tài khóa năm 1968 giành cho việc sửa chữa, duy tu đường băng, sân đậu, đường vận chuyển, đường vào và phù tiêu cho các sân bay lên đến 965.000đ, chưa kể khoản sửa chữa đột xuất nảy sinh trong từng thời điểm sân bay bị tiến công (2-1968, 5-1968).
Từ năm 1971, phong trào cách mạng miền Nam dần chuyển sang thế tiến công sau giai đoạn khó khăn kể từ Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân. Sân bay Tân Sơn Nhất bị các lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định thường xuyên tập kích. Nha Căn cứ hàng không phải xây dựng thêm một hàng rào bao quanh kho xăng, làm vách ngăn kho phụ tùng cơ giới và vách ngăn xưởng sửa chữa cơ giới (kinh phí 1.600.000 đồng). Tính riêng trong 6 tháng cuối năm 1971, Ty tu bổ khu các phi trường miền Nam thuộc Nha Căn cứ hàng không đã chi ngân sách giành cho việc duy tu sửa chữa 3.160.000đ.
Năm 1972, Quân Giải phóng mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam trên ba hướng chủ yếu: Trị Thiên, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Nhu cầu sửa chữa tu bổ các sân bay phục vụ cho hoạt động quân sự chống đỡ đòn tiến công của Quân Giải phóng đặt ra ngày một lớn. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền Sài Gòn phải ưu tiên một khoản kinh phí lớn để sửa chữa xây cất nhà ga quân sự, nới rộng đường vào và thiết lập sân xe hơi đậu trước hai nhà ga hàng không quốc nội và quân sự… gồm 320,4 triệu đồng trong tổng số kinh phí sửa chữa sân bay trên toàn miền Nam là 603,96 triệu đồng.
Năm 1973, thực hiện nội dung Hiệp định Paris, đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong các Ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên Trung ương vào hoạt động tại Trại Davis. Trại Davis (lấy tên Trung úy James T.Davis, sĩ quan quân báo đơn vị “chiến dịch đặc biệt ASA” của Mỹ chết trong lúc đi càn quét khu vực phía Tây Tân Sơn Nhất tháng 12-1961) là một doanh trại của quân đội Mỹ, nằm trong khu sân bay quân sự Tân Sơn Nhất gần sát góc Tây Nam, có diện tích 33.000 m2 với hơn 65 nhà làm việc và nhà ở lớn nhỏ. Tại đây, trong suốt 823 ngày đêm (từ tháng 2-1973 đến cuối tháng 4-1975), hai đoàn đại biểu đã đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris và chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng phối hợp với mũi tiến công của Quân Giải phóng từ ngoài vào trong năm 1975.
Năm 1975, 16 giờ 15 phút ngày 28-4, Phi đội Quyết Thắng Quân Giải phóng gồm 5 chiếc A-37 (lấy được của quân đội Sài Gòn tại các sân bay Đà Nẵng, Phù Cát) xuất phát từ sân bay Thành Sơn tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Phương án được các phi công (Nguyễn Văn Lục - Chỉ huy Phi đội, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On) xác định là đánh bom dọc đường hạ cất cánh, hạn chế tối đa độ tản mát của bom ra hai bên đường băng, bảo đảm an toàn cho hai phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Trại Davis. 18 quả bom ném xuống làm rung chuyển toàn bộ sân bay. 24 máy bay bị phá hủy, hàng trăm sĩ quan và binh lính thiệt mạng. Trận ném bom cộng với các cuộc pháo kích của Quân Giải phóng đã làm cho cầu hàng không di tản tại sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt. Mỹ buộc phải tổ chức di tản bằng trực thăng trên sân thượng toà nhà Đại sứ và các cao ốc khác. Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất là đòn tiến công hiểm và bất ngờ vào mục tiêu có ý nghĩa chiến lược đã góp phần tạo ra những chuyển biến mới vào đúng thời điểm then chốt của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngay trong đêm 28-4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. 5 cánh quân tiến công tiêu diệt quân địch tại tuyến phòng thủ cận ngoài, đồng thời tiến sâu, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm bàn đạp quan trọng, sẵn sàng đồng loạt tiến công các mục tiêu trong nội đô thành phố Sài Gòn.
(Còn nữa)
PGS - TS Hồ Sơn Đài