Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng
Tham gia lực lượng kháng chiến, ông được huấn luyện và đưa về Ban tình báo (Trinh sát) Chi đội 25, được giao nhiệm vụ quan sát địch, tuần tra vòng ngoài đóng quân. Những trận đánh đồn Tà Yến, Kiến Vàng hay những trận chống càn của bộ đội ta ở Tân Đông, Long Trì, Vườn Thơm… đều có công lao của người thiếu niên 14 tuổi năm ấy.
Năm 1949, khi Trung đoàn 397 được thành lập ở Bà Rịa, ông phục vụ ở Văn phòng Trung đoàn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 19/12/1949). Thời gian sau đó, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân (Sơn Tây, giai đoạn 1956 - 1958).
Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng là người bản lĩnh, có trách nhiệm với Đảng, với Quân đội. Tính cách khẳng khái, bộc trực nhưng dám nghĩ dám làm. Trong lãnh đạo xây dựng lực lượng, anh Nam Hưng luôn chú ý đến việc chăm lo cho thế hệ tương lai. Anh cũng luôn được đồng chí, đồng đội tín nhiệm, cảm phục. Với gia đình, anh là người chồng, người cha rất có trách nhiệm.
Cuối năm 1960, ông được tập trung chuẩn bị chuyến hành quân vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. Sau nhiều tháng gian khổ, đến tháng 9/1961, ông về đến chiến khu D, được biên chế về làm trợ lý Phòng tác chiến T1 (Quân khu 7) trực tiếp đi theo Tiểu đoàn 800, giúp cho Tiểu đoàn huấn luyện và tác chiến. Ngày 5/10/1964, ông Nguyễn Nam Hưng chính thức được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 800 T1 (QK7). Đây là tiểu đoàn tập trung đầu tiên của quân giải phóng miền Nam.
Trong chiến dịch Bình Giã (1965), Tiểu đoàn 800 T1 đảm nhiệm nhiệm vụ đánh thu hút địch, làm cho địch lầm tưởng có một cánh quân đánh về Long Thành. Địch liền động binh, chi viện để đối phó. Từ đó, cánh quân chủ lực của ta có điều kiện cơ động, triển khai lực lượng và thắng lợi giòn giã ở chiến dịch Bình Giã.
Sau chiến dịch Bình Giã, Tiểu đoàn 800 T1 được lệnh hành quân cơ động về chiến khu D thành lập Trung đoàn 4. Lúc này Tiểu đoàn 800 thành là Tiểu đoàn 1 chủ công của Trung đoàn 4. Ông đã cùng Đảng ủy Tiểu đoàn xây dựng tiểu đoàn độc lập chiến đấu hiệu suất cao, xứng đáng vai trò chủ công của Trung đoàn. Ngày 2/9/1965, ông Nguyễn Nam Hưng được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 4.
Sau khi thắng trận giòn giã, đánh chiếm đồn Võ Su, Trung đoàn 4 được lệnh trở về chiến trường Bà Rịa, liên tục đánh thắng nhiều trận càn của Mỹ; đồng thời, bám trụ địa bàn tam giác đường số 1, số 15 và số 2, đánh tiêu diệt địch ở trường bắn Vạn Kiếp, Kim Long, căn cứ Suối Râm, cánh đồng Hê An... Đến tháng 8/1967, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4.
Trong Mậu Thân (1968), Trung đoàn 4 được lệnh tấn công các mục tiêu liên trường Thủ Đức, Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức và cầu Đồng Nai. Trung đoàn phải chia đôi lực lượng. Trong đó, Tiểu đoàn 2 do ông Nguyễn Nam Hưng chỉ huy đánh các mục tiêu ở Thủ Đức. Đêm 30 Tết (31/1/1968), Tiểu đoàn 2 vượt sông Đồng Nai, bám đường 33 đánh liên tục các mục tiêu của địch ở Thủ Đức, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng lúc đó là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5, có nhiệm vụ diệt địch trên địa bàn tỉnh Long An, cắt đường số 4 thực hành chia cắt chiến dịch không cho địch chạy về miền Tây và từ miền Tây lên Sài Gòn. Ngày 26/4 chiến dịch chia cắt đường 4 của Sư đoàn bắt đầu. Sư đoàn đã tiêu diệt căn cứ Giang Thuyền Bến Lức. Đêm 28/4 đánh chiếm cầu Voi, ngày 29 và 30/4 Sư đoàn đánh chiếm thị xã Tân An và khống chế đường 4 từ Bến Lức đến ngã ba Tham Lương, hoàn thành nhiệm vụ chia cắt, tiêu diệt nhiều địch thu nhiều vũ khí, giải phóng Long An, góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng là người giản dị, thẳng thắn, quyết đoán, tầm nhìn xa. Những việc nào cấp dưới làm chưa đúng, chưa phù hợp đều được Thiếu tướng chỉ bảo tận tình, khích lệ để hoàn thành. Thiếu tướng luôn căn dặn chúng tôi phải phát huy truyền thống, trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, đoàn kết kỷ luật, gắn bó nghĩa tình. Lực lượng vũ trang tỉnh luôn ghi nhớ và tiếp tục thực hiện tốt những điều Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng căn dặn.
Hòa bình chưa được bao lâu, ông Nguyễn Nam Hưng lại tham gia nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Trong vai trò Sư đoàn trưởng Sư đoàn 303, hay trong vai trò Tư lệnh phó Mặt trận 779 (QK7), ông đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đánh bại chế độ diệt chủng Polpot.
Vĩnh biệt Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng - vị tướng “Một đời chinh chiến”. Dấu chân binh nghiệp của ông đã đặt lên nhiều chiến trường cam go, gian khổ, lập nhiều chiến công, nhưng trong cảm nhận của những người đồng chí, đồng đội, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng luôn là người giản dị, trọn nghĩa, vẹn tình.
Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng (Nguyễn Văn Trịnh) sinh năm 1933; quê quán: Xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; trú quán: Ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguyên Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã nghỉ hưu. Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Đồng chí đã từ trần hồi 20h58 ngày 14-8-2019 tại nhà riêng.
Lễ viếng hồi 10h ngày 15-8-2019, tại nhà riêng ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lễ truy điệu vào hồi 7h ngày 17-8-2019. Hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Long Hương, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.