(QK7 Online) - Từ một vùng đất hoang hóa do bị bom cày, đạn xới trong chiến tranh, với quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM và sự năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên, đến nay, Khu Di tích Lịch sử (DTLS) Địa đạo Củ Chi trở thành Di tích quốc gia Đặc biệt, nhiều năm liền được bình chọn là điểm giáo dục truyền thống cách mạng, điểm tham quan hấp dẫn nhất TP.HCM.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch tham gia chương trình “Hành trình xanh về vùng Đất thép”.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân huyện Củ Chi xây dựng hệ thống địa đạo với trên 250km đường hầm tỏa rộng trong lòng đất. Dựa vào hệ thống địa đạo này, các chiến sĩ cách mạng thiết lập căn cứ địa vững chắc trước cửa ngõ sào huyệt địch tại Sài Gòn, kiên cường bám trụ chiến đấu, lập nhiều chiến công vang dội, xây đắp nên danh hiệu Củ Chi “Đất thép thành đồng”.
Sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống địa đạo Củ Chi được khôi phục, tôn tạo, trở thành địa chỉ thu hút cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân khắp mọi miền đất nước và khách nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng công trình đánh giặc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một kỳ quan chiến đấu độc đáo của vùng đất miền Đông Nam Bộ anh hùng.
Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - nơi lưu danh hơn 45 ngàn liệt sĩ hi sinh tại Sài Gòn – Gia Định.
Khu DTLS Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, gồm hai điểm di tích: Địa đạo Bến Dược, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (căn cứ của Khu ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định) và Địa đạo Bến Đình, thuộc xã Nhuận Đức (căn cứ của Huyện ủy huyện Củ Chi). Nơi đây có nhiều công trình văn hóa, lịch sử ý nghĩa như: Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược; Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi; hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông. Du khách còn được xem phim 3D mô phỏng cuộc sống, chiến đấu của du kích Củ Chi và trải nghiệm nhiều dịch vụ hấp dẫn như: Trường bắn súng thể thao quốc phòng, trò chơi bắn súng đạn phun sơn, đi xe điện ngắm cảnh, chạy canô du ngoạn trên sông...
Du khách trải nghiệm dịch vụ bắn súng thể thao quốc phòng.
Phát huy hiệu quả “Hành trình xanh về vùng Đất thép”
Sau gần 3 tháng mở cửa đón khách đến tham quan theo chương trình về nguồn “Hành trình xanh về vùng Đất thép” do Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch thành phố và UBND huyện Củ Chi tổ chức, với sự chuẩn bị chu đáo, đảm phòng dịch Covid-19, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi đã khẳng định là điểm đến an toàn đối với du khách.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM (thứ 2 từ bên phải) cùng du khách là lực lượng tuyến đầu chống dịch tham quan Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi trong Chương trình “Hành trình xanh về vùng Đất thép”.
Nằm trên địa bàn huyện Củ Chi – một trong hai địa phương đầu tiên của TP.HCM sớm khống chế được dịch Covid-19, tuy vậy trước diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, Đảng ủy, Ban Giám đốc Khu DTLS Địa đạo Củ Chi đề ra nhiều biện pháp phù hợp để làm tốt công tác phòng, chống dịch. Thượng tá Lê Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Khu di tích cho biết: “Chúng tôi chủ động tìm nguồn vaccin, sớm tiêm đủ 2 mũi cho cán bộ, nhân viên; định kỳ tổ chức phun thuốc khử khuẩn; thường xuyên nhắc nhở du khách tuân thủ qui định 5K, đồng thời xây dựng phương án xử lý khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19”.
Hướng dẫn du khách khai báo y tế trước khi vào tham quan.
Ngay từ cổng vào, du khách được hướng dẫn khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Quá trình đưa du khách tham quan, hướng dẫn viên chủ động phân chia thành từng nhóm nhỏ. Toàn bộ công tác tổ chức của các chuyến tham quan đều tuân thủ các tiêu chuẩn Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của UBND thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long – Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM – đơn vị chọn Khu DTLS Địa đạo Củ Chi làm điểm tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho biết: “Sau cao điểm dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị chọn nơi đây để tổ chức các hoạt động về nguồn gắn với tham quan, dã ngoại. Bởi đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về những công trình lịch sử, văn hóa, mà còn yên tâm về công tác phòng, chống dịch”.
Du khách tham quan địa đạo Củ Chi.
Với uy tín và thương hiệu “du lịch xanh”, gần 3 tháng qua, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi đã thu hút được hơn 120 đoàn với gần 20 ngàn du khách đến tham quan. Kết quả đó là động lực để cán bộ, công nhân viên Địa đạo Củ Chi nỗ lực tạo môi trường thân thiện, an toàn, chủ động liên kết với các đối tác, đưa khách đến với địa đạo đúng với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Tấn Chí