Người lao động (NLĐ) tốt là vốn quý của cơ quan, doanh nghiệp. Nguồn nhân lực chất lượng cao là vốn quý, là trụ cột của quốc gia. Đất nước càng hội nhập, càng phát triển nhanh hơn trong nền kinh tế thị trường thì điều này càng thêm thấm thía.
Có thể nhận thấy rõ, những cơ quan, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ thì cùng với việc đề ra chiến lược phát triển đúng đắn, còn xây dựng được một đội ngũ nhân lực có chất lượng tốt, gắn bó với cơ quan, yêu công việc. Thậm chí, nhân viên của một số doanh nghiệp sẵn sàng làm việc quên ăn, quên ngủ để hoàn thành bằng được nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, với chất lượng tốt nhất. Không hẳn là vì giám đốc thúc ép họ, mà họ bị thôi thúc bởi sự đam mê với công việc, bởi mục tiêu của công ty đã trở thành mục tiêu của chính bản thân họ.
Làm thế nào để NLĐ yêu đơn vị, yêu doanh nghiệp, hạnh phúc với công việc mình đang làm? Có lẽ, đầu tiên NLĐ cần phải được đáp ứng các nhu cầu, như: Thu nhập phù hợp với công sức, đóng góp; rồi được quan tâm tới nhà ở, tới gia đình, tới đời sống tinh thần... Những doanh nghiệp có điều kiện còn xây dựng nhà trẻ, trường tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của con cái NLĐ. NLĐ cũng thường rất ấn tượng với sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từ những nhu cầu tưởng chừng nhỏ nhất. Ví như, tại một số công ty công nghệ thông tin, lãnh đạo công ty đã tạo ra các khoảng nghỉ 30 phút giữa giờ để người trẻ được thoải mái vui chơi, nghe nhạc, đá cầu ngay tại nơi làm việc. Sau khoảng thời gian giải lao ấy, nhân viên phấn khởi hơn, lao động hăng say hơn, chất lượng công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, quan tâm tới thu nhập của NLĐ là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” mà chưa được đáp ứng tốt thì khó nói tới những câu chuyện xa xôi. Thế nhưng, NLĐ cũng cần phải được đả thông về mặt tư tưởng rằng, lương cao và thưởng lớn không phải là tự nhiên có, cứ mong muốn là được, mà nó đến từ sự nỗ lực của mỗi người trong công việc. Hiệu quả lao động của mỗi người là điều kiện để đơn vị, doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao và theo đó là chất lượng đời sống NLĐ cũng được cải thiện.
Cùng với đó, lương cao chưa phải là tất cả. Nếu lương luôn là thước đo duy nhất thì các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp có vốn Nhà nước rất khó so đọ với các tập đoàn kinh tế quốc tế lớn để thu hút được lao động chất lượng cao. Mà điều cần thiết là phải làm cho NLĐ thấy được doanh nghiệp mà họ đang phục vụ là một doanh nghiệp tốt, giàu khát vọng; công việc mà họ đang làm là một công việc có ý nghĩa với xã hội, với đất nước; tình yêu doanh nghiệp cũng chính là cách để thể hiện tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước. Ví dụ, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) luôn làm cho mỗi nhân viên hiểu rằng, công việc mà họ đang làm sẽ giúp nâng cao tầm vóc của người Việt Nam; hay nhân viên của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) thì luôn tự hào rằng việc mình làm sẽ đóng góp để tăng cường tiềm lực nhiều mặt của quốc gia.
Năng lực của mỗi người tại mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn là thứ hữu hạn. Nhưng ngay cả năng lực hữu hạn ấy của mỗi người chưa chắc đã được vận dụng, khai thác hết. Muốn khai thác hết tiềm năng của nhân lực cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, quan tâm, chăm sóc; cùng với đó cũng cần giáo dục nâng cao nhận thức để NLĐ yêu công việc, luôn nỗ lực cao nhất, phấn đấu học hỏi để không ngừng nâng cao năng lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc.
Hồ Quang Phương
Nguồn: qdnd.vn