Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa.
Thời kỳ đầu đơn vị mới thành lập, thiếu thốn về mọi mặt, đồng chí chỉ huy đơn vị dựa vào dân, lấy dân làm gốc, triển khai thành sức mạnh tiềm tàng trong dân. Đồng thời, đơn vị chủ động đánh giặc vừa với sức mình, vừa đánh tiêu diệt vừa giữ gìn và phát triển lực lượng. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Bứa (Tiểu đội trưởng cảm tử quân Tân Mỹ Đông, sau là Đại đội trưởng Đại đội 2), đơn vị đánh trả quyết liệt các cuộc hành quân của địch, bảo vệ xóm làng suốt một vùng, từ Nhị Bình, Tân Mỹ, Bình Lý, Vĩnh Lộc, trải dài đến phía Bắc Hóc Môn, An Phú, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng. Từ tháng 12-1945 đến tháng 2-1946, những trận đánh điển hình, hiệu suất cao của đơn vị diễn ra ở ngã ba Tân Mỹ và cầu Bà Hồng; đó là những trận chống càn ở Nhuận Đức, Bến Mương, Xóm Trại, Dàn Bầu, An Nhơn Tây... Ngày 26-5-1947, đồng chí Nguyễn Văn Bứa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau năm 1947, địch sử dụng chiến thuật đánh đồn kiểu mạng nhện, kết hợp chính sách phá hoại kinh tế làm cho giao thông tiếp tế của ta gặp khó khăn. Các cơ quan, bộ đội phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, làm lực lượng bị phân tán, suy giảm sức chiến đấu, vũ khí thiếu nghiêm trọng... Nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho bộ đội tác chiến trở thành nhiệmvụ hàng đầu. Tình hình đó đòi hỏi ta cần phải thành lập những đơn vị chủ lực để “đẩy mạnh vận động chiến”. Ở Nam Bộ, từ các chi đội Vệ quốc đoàn, hàng loạt các trung đoàn được thành lập. Đồng chí Nguyễn Văn Bứa được giao các trách nhiệm: Chi đội trưởng Chi đội 12, Trung đoàn phó Trung đoàn 312 (1948-1950); Trung đoàn trưởng Trung đoàn 300 (1950-1951).
Từ giữa năm 1951, Trung ương Cục miền Nam chủ trương sắp xếp lại chiến trường, tổ chức lại lực lượng vũ trang nhằm chống lại có hiệu quả chính sách tập trung bình định và thủ đoạn bao vây chia cắt của địch. Tỉnh Bà Rịa và tỉnh Chợ Lớn sáp nhập lại thành tỉnh Bà Chợ, lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh là Trung đoàn 300. Đồng chí Nguyễn Văn Bứa đảm đương trách nhiệm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Bà Chợ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 300, Phó Bí thư Liên chi. Để bảo vệ binh công xưởng, bảo vệ giao thông tiếp tế, bảo đảm hậu cần thì phương thức tốt nhất là đánh địch, đồng chí Nguyễn Văn Bứa đã chỉ huy đơn vị đánh địch ở Nhà Bè, Phú Mỹ, Xuyên Phước Cơ; nổ mìn làm sập cầu Bến Lức, thủy lôi đánh chìm tàu Saint Loubert Bié trên sông Lòng Tàu, đốt cháy kho xăng ở cảng Nhà Bè, đánh xe lửa chở hàng từ Sài Gòn ra Nha Trang. Chỉ trong hai tháng 6 và 7-1951, trung đoàn đã đánh chìm 32 tàu địch ở rừng Sác, diệt 8 trung đội, 13 tiểu đội và 13 sĩ quan địch.
Tháng 5-1953, đồng chí Nguyễn Văn Bứa nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 320 Phân Liên khu miền Đông, Phó Bí thư Liên chi. Vận tải tiếp tế miền Đông là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm. Để không xảy ra tổn thất, đồng chí đã lập kế hoạch hành quân, tổ chức lực lượng trinh sát bám địch dọc tuyến đường hành quân, tránh địch phục kích, lừa địch, dụ địch sang hướng khác và khi cần đơn vị cũng đánh địch để tiếp tục hành quân. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Bứa, mặc dù phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ (bản thân đồng chí là Tiểu đoàn trưởng, cũng trực tiếp gùi hàng, cùng ăn đói, chịu khát và cùng chiến đấu đánh địch như các chiến sĩ và đồng đội trong đơn vị), nhưng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải, tiếp tế; góp phần làm nên thắng lợi chung trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Cũng tại khu vực đầu cầu cung đường vận tải này, năm 1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Ủy viên Ủy ban Liên hiệp đình chiến khu vực Hàm Tân, Xuyên Mộc theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Nguyễn Văn Bứa cùng đơn vị lên tàu tập kết ra miền Bắc. Trước khi được cử đi học nước ngoài, đồng chí là cán bộ tham mưu phụ trách quân lực Phòng Tham mưu Sư đoàn 330, Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Trung đoàn độc lập 656, Ủy viên Thường vụ Trung đoàn; Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 338, Phó Bí thư Liên chi; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 664, Bí thư Trung đoàn, rồi Tham mưu phó Sư đoàn 330.
Năm 1959, đồng chí đi học tại Học viện Quân sự Nam Kinh (Trung Quốc) được giao làm Phó Bí thư Chi bộ. Giữa năm 1961, khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, đồng chí được Quân ủy Trung ương gọi về, cử vào miền Nam chiến đấu. Đoàn cán bộ quân sự từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam chiến đấu do đồng chí Nguyễn Văn Bứa phụ trách gồm 300 cán bộ quân sự, bổ sung cho các quân khu 7, 8, 9 và 20 cán bộ dân - chính - Đảng từ cấp Tỉnh ủy viên trở lên. Đoàn đã đi trên con đường huyền thoại mới được khai mở - đường Trường Sơn.
Tháng 9-1961, đồng chí trở lại chiến trường quê hương với cương vị Tư lệnh phó - Tham mưu trưởng, Phó Bí thư Quân khu miền Đông. Với những cương vị then chốt trong cơ quan đầu não Quân khu, đồng chí Nguyễn Văn Bứa không chỉ là người chỉ huy mà còn là người chủ trì, thiết kế, tổ chức lực lượng. Đồng thời, đồng chí trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo nhiều trận đánh, đợt hoạt động có tính chiến dịch trên chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, củng cố, mở rộng vùng căn cứ, đặc biệt là Chiến khu Đ, đồng chí Nguyễn Văn Bứa đã tổ chức, chỉ huy nhiều đợt hoạt động kết hợp ba thứ quân địa phương đánh địch bình định, phát huy mạnh mẽ chiến thuật “đánh điểm - diệt viện”. Ngày 20-2-1962, trận mở màn tập kích tiêu diệt hoàn toàn đồn bảo an Rạch Rớ trên đường 8, bẻ gãy ý đồ lấn chiếm lập ấp, kiểm soát đường 8 Chiến khu Đ; tạo điều kiện tiêu diệt hàng loạt đồn bốt tiếp theo. Cuối năm 1963, trong đợt hoạt động đánh địch bình định, phối hợp với Trung đoàn 2 chủ lực Miền, đồng chí Nguyễn Văn Bứa trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo trận “đánh điểm - diệt viện” có ý nghĩa quyết định: Tiêu diệt hoàn toàn đồn bảo an Bàu Cá, thu vũ khí, bắt tù binh. Sau đó, ta tiếp tục diệt viện, tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân 37 của địch. Thắng lợi của trận Bàu Cá đã tạo thế cho quân ta tiếp tục vây diệt, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt địch ở Bàu Sin, suối Ngang, Bàu Phụng, mở rộng vùng giải phóng tới sát thị trấn Tân Uyên.
Chiến dịch Bình Giã (2-12-1964 - 3-1-1965) mở đầu cho hàng loạt chiến dịch lớn diễn ra liên tiếp sau đó ở miền Đông Nam Bộ. Ngày 25-12-1964, khi chiến dịch chuẩn bị vào đợt 2, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy Miền quyết định bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Bứa vào Thường vụ Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch (Chỉ huy phó Chiến dịch Bình Giã). Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền quyết định đánh đòn tạo thế; đồng thời thử nghiệm về khả năng pháo mang vác đánh độc lập bằng trận pháo kích vào căn cứ không quân Biên Hòa. Cùng với Chỉ huy trưởng Lương Văn Nho, đồng chí Nguyễn Văn Bứa trực tiếp tham gia tổ chức và chỉ huy trận đánh. Được sự hỗ trợ của cơ sở tại chỗ, ta đưa các loại súng cối 81, 82mm, ĐKZ-75 vào sát mục tiêu. Chỉ trong 15 phút (đêm 31-10 rạng sáng ngày 1-11-1964) với 130 quả đạn, ta đã làm nên một chiến thắng vang dội tận “Nhà Trắng”.
Tiếp sau trận pháo kích căn cứ không quân Biên Hòa (lần thứ nhất), đồng chí Nguyễn Văn Bứa tổ chức chỉ đạo Tiểu đoàn 800 thực hiện trận phục kích giao thông trên quốc lộ 15 Sài Gòn - Vũng Tàu (đoạn xã Phước Thái) diệt gọn đoàn xe quân sự 12 chiếc của địch, thu toàn bộ súng. Với cương vị Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Chiến dịch Bình Giã, phụ trách hướng phối hợp (địa bàn Nhơn Trạch - Long Thành), đồng chí Nguyễn Văn Bứa chủ động đề xuất nhiều ý kiến về đánh điểm, diệt viện trên hướng chính. Đồng thời, đồng chí trực tiếp tổ chức chỉ huy hoạt động hướng phối hợp, giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ chia lửa, thu hút địch, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng chính của Chiến dịch Bình Giã. Trong đợt hoạt động Đông Xuân 1965-1966, với tư cách Tư lệnh, Phó Bí thư Quân khu miền Đông, đồng chí Nguyễn Văn Bứa chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang miền Đông đánh bại cuộc hành quân Hòn đá lăn (Rollingstone) trên đường 7. Trong những ngày cuối cuộc phản công lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Bứa tổ chức và trực tiếp chỉ huy tập kích căn cứ không quân Biên Hòa lần thứ ba, lần thứ tư; tiến công Tổng kho Long Bình của quân Mỹ và Quân đoàn 3 ngụy.
Mùa thu năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, chiến trường miền Đông được sắp xếp lại. Quân khu miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định giải thể để thành lập các phân khu, hình thành năm mũi nhọn tiến công vào sào huyệt Sài Gòn. Với cương vị Tư lệnh Phân khu 1, rồi Tư lệnh Phân khu 5, Phó Bí thư Phân khu, đồng chí Nguyễn Văn Bứa trực tiếp chỉ huy các lực lượng tiến công đánh vào hướng Bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, kho bom Gò Vấp và các địa bàn vùng ven... Đây là một trong những mũi quan trọng hàng đầu của ta trong cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn trong Xuân Mậu Thân (1968).
Những năm từ 1969 đến 1971, với cương vị Tư lệnh, Phó Bí thư Phân khu 5, đồng chí đã chỉ huy bộ đội bám trụ, tổ chức đánh địch trên dọc đường 1, đường 15, đường 2 Bà Rịa. Đầu năm 1971, chiến trường đang trong quá trình chuẩn bị vào cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bứa nhận nhiệm vụ Tham mưu phó Miền. Tháng 8-1972, với trách nhiệm Tư lệnh Quân khu miền Đông, Ủy viên Thường vụ Khu ủy, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang Quân khu tiến vào các địa bàn chiến lược, tạo thế xen kẽ cho đợt tiến công mới vào tháng 10-1972 và kế hoạch “chồm lén”; góp phần vào thắng lợi lịch sử, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa đảm nhiệm các chức vụ: Phó ban Thanh tra Bộ Tư lệnh Miền; Phó Tư lệnh, kiêm Trưởng ban Thanh tra Quân khu 7; Cục trưởng Cục Xây dựng kinh tế Quân khu 7. Đồng chí cùng với cơ quan sản xuất, làm kinh tế, xây dựng các nông trường La Ngà, 600, Đoàn Phước Long, Sư đoàn 2 hồ Dầu Tiếng... Cuối năm 1984, đồng chí Nguyễn Văn Bứa phụ trách công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử và tổng kết chiến tranh của Quân khu 7.
Đại tá Trần Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tặng quà thân nhân gia đình cố Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa.
Năm 1986, đồng chí bị tai biến mạch máu não và đột ngột từ trần ở tuổi 64 để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với bạn bè, đồng chí, đồng đội và gia đình. Đồng chí Nguyễn Văn Bứa - vị tướng có tầm chiến lược trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến thuật, luôn quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với đồng chí, đồng đội và gia đình, Thiếu tướng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, cao đẹp, là người chồng, người cha mẫu mực, xứng đáng để con cháu noi theo. Những năm tháng chiến đấu, công tác cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, cùng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác. Để ghi nhớ những cống hiến của đồng chí cho cách mạng, tại quê hương Hóc Môn của đồng chí, có một con đường kéo dài từ huyện Hóc Môn đến huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở mang tên Nguyễn Văn Bứa.