Ảnh minh hoạ
Những năm gần đây, mặc cho thị trường bất động sản gặp khủng hoảng, hay rơi vào trạng thái trầm lắng, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn giữ được sự quan tâm nhất định của nhà đầu tư. Từ năm 2024, phân khúc này đã giữ vai trò chủ đạo trên thị trường. Và theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing, BĐS Khu công nghiệp từ nay đến 2026 sẽ có cơ hội rất lớn.
Khi Việt Nam thu hút được về quy mô, chất lượng của nguồn vốn FDI thì rất nhiều Tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, chỉ cần một Tập đoàn lớn đầu tư sẽ kéo theo rất nhiều công ty ăn theo. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, trong số những doanh nghiệp này không phải công ty nào cũng chọn các khu công nghiệp lớn với quy mô bài bản về hạ tầng để thuê đất.
Thay vào đó, họ lựa chọn khu công nghiệp vừa và nhỏ với quy mô khoảng 10-20ha hoặc nhỏ hơn 5ha với hạ tầng, mặt bằng giá thuê rẻ hơn nhưng lân cận tại khu vực đó.
“Tôi có những người bạn đang triển khai nhiều khu công nghiệp vừa và nhỏ ở các TP. Hải Dương, Hưng Yên, một phần ở Bắc Giang. Họ cứ xây dựng nhà xưởng xong là có đối tác từ Hong Kong, Trung Quốc đến hỏi thuê với mức giá tốt.
Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những tín hiệu tuyệt vời bởi khi BĐS Khu công nghiệp phát triển tốt sẽ tạo ra công ăn việc làm lớn cho người dân, đồng nghĩa người dân có thu nhập để mua nhà, đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra sự phát triển bền vững cho đất nước”, ông Trung cho biết.
Bên cạnh đó, với việc Chính phủ đã thống nhất đặt mục tiêu 2025 và lộ trình từ nay đến 2030 là nâng mức thu nhập bình quân đầu người, ông Trung cho rằng, ngoài BĐS thương mại, BĐS nhà ở, thì BĐS khu công nghiệp vẫn là mảng màu mỡ.
Theo chuyên gia của One Housing, năm 2025, các điều kiện cần và đủ cũng như các yếu tố tạo nền cho thị trường đã tốt hơn rất nhiều nhưng chất lượng vốn FDI cả về quy mô, thành phần tham gia FDI, về thành phần liên quan tạo ra những giá trị về công ăn việc làm của người dân trong tương lai, phân bổ về các địa phương là điều khác biệt hoàn toàn so với chặng đường thu hút FDI trước đây.
Tiếp đó, đến thời điểm này, hệ thống chính sách từng bước được thực thi và tạo ra những hành lang pháp lý có tính định hướng, lộ trình rõ ràng cho câu chuyện doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt giúp thị trường minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tự thích nghi và thay đổi, từ đó tạo sự sàng lọc.
Đó là để doanh nghiệp nào không còn khả năng thích ứng được với thay đổi của thị trường, chắc chắn sẽ phải tìm cách sáp nhập, hoặc thay đổi về hành vi của người dân trong câu chuyện đầu cơ nhiều, thì phải đầu tư thay vì đầu cơ. Hay hành vi "lướt sóng" trước đây thì phải có lộ trình lâu dài hơn trong quá trình mua bán.
“Tôi tự tin rằng với ngoại giao khéo léo, cũng như chiến lược của Việt Nam sẽ tận dụng được dòng chảy thu hút đầu tư công nghiệp, hạ tầng trong thời gian sắp tới”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất động sản KCN ở các tỉnh thành thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nên là phân khúc hấp dẫn thời gian tới.
“Nếu tôi là nhà đầu tư, tôi sẽ nhắm đến phân khúc mà nhà nước định hướng, và quy định pháp luật đang có nhiều ưu đãi”, ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, thời gian tới, sẽ có những cơ hội hội nhập, nhiều doanh nghiệp FDI, ngân hàng đầu tư nước ngoài sẽ vào các khu công nghiệp.
Do đó, Chính phủ, các tỉnh, địa phương nên quy hoạch những KCN trở thành KCN cao, mang tính phát triển đồng bộ, về cả thuế quan để thu hút đầu tư.
Tâm An