Hòa bình lập lại, mọi người chung tay, góp sức kiến thiết quê hương, khó khăn gấp đôi thì người dân, Bộ đội Cụ Hồ cố gắng gấp ba. Cứ thế, địa phương ngày càng khởi sắc, giàu và đẹp hơn. Người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều đồng đội ông còn vất vả. Thế là, ông Nhân lặn lội khắp mọi nơi, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, chia sẻ với những đồng đội còn nghèo khó. Không chỉ vậy, ông còn đóng góp xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể như xây cầu giao thông, làm đường, lắp đặt đèn chiếu sáng, tổ chức các đội tham gia làm đẹp môi trường, giữ an ninh, trật tự nơi mình sinh sống...
Mỗi năm, ông vận động hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho công tác thiện nguyện. Theo CCB Huỳnh Văn Nhân, sau cuộc chiến, mọi thứ hầu như đều phải bắt đầu lại từ con số 0 nhưng ai cũng nỗ lực. “Gia đình chúng tôi chung tay cùng địa phương phát triển kinh tế. Đặc biệt, tình đồng chí, đồng đội như tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau phấn đấu. Những đồng đội có kinh tế khá giả thì hỗ trợ những người còn khó khăn hơn. Còn những anh em khó khăn thì cùng động viên nhau vượt khó. Gia đình chúng tôi được Hội CCB hỗ trợ vay vốn nuôi gà, bò. Các kỹ thuật chăn nuôi được Hội phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn,... nên tôi áp dụng hiệu quả, cải thiện kinh tế gia đình. Những tình cảm chân thành của anh em là động lực rất lớn để giúp nhau vươn lên” - ông Nhân nói.
Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Đức cho biết, nhiều năm qua, Huyện hội luôn phát huy tinh thần đồng đội, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều mô hình do Hội tổ chức không chỉ giúp hội viên (HV) CCB tại địa phương mà còn được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Hội tiếp tục duy trì mô hình kinh tế tập thể, quản lý tốt các tổ vay vốn ủy thác, xây dựng các quỹ,... để hỗ trợ, giúp đỡ các HV có hoàn cảnh khó khăn. Đời sống của HV không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2012, Hội CCB huyện có 12 HV thuộc diện hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo thì đến nay không còn HV thuộc diện hộ nghèo, còn 9 hộ HV cận nghèo.
2. Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào nhà CCB Nguyễn Văn Tắng (ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc). Đây là một trong những CCB điển hình về vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ông Tắng nhập ngũ năm 1976 và xuất ngũ năm 1982, là bộ đội tham gia nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, hỗ trợ nước bạn. Xuất ngũ trở về địa phương, ông cùng gia đình bắt tay vào phát triển kinh tế. Những năm đầu, vì thiếu kiến thức, kỹ năng, chưa có định hướng nên nhiều lần, ông Tắng bị thất bại, gia đình vẫn thuộc diện khó khăn của địa phương.
Từ khi được xã, Hội CCB huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, vốn, ông sản xuất hiệu quả hơn, có điều kiện vươn lên. Gia đình ông trồng rau màu và hiện thoát nghèo, có thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm. Phát huy tinh thần đồng đội, CCB Nguyễn Văn Tắng tham gia hỗ trợ về kỹ thuật, đóng góp quỹ, vốn để chia sẻ với những HV có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Nhờ đó, nhiều HV thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. CCB Nguyễn Văn Tắng chia sẻ: “Trước đây, gia đình khó khăn, được anh em đồng đội hỗ trợ, tiếp thêm động lực nên cuộc sống ổn định hơn. Những tình nghĩa ấy, gia đình tôi luôn nhớ và muốn tiếp tục chia sẻ cho những CCB còn khó khăn hơn để họ có thêm động lực phấn đấu, vươn lên”.
Chủ tịch Hội CCB huyện Cần Giuộc - Lâm Thanh Cao thông tin: Hội duy trì nhiều mô hình hỗ trợ, tương trợ nhau trong cuộc sống để giúp đỡ các HV. Trong đó, Huyện hội phát động, xây dựng phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Đến nay, nhiều CCB thoát nghèo, kinh tế phát triển và là tấm gương tiêu biểu cho nhiều CCB khác noi theo. Chất lượng cuộc sống của HV CCB trên địa bàn ngày một nâng cao, tình đồng chí, đồng đội ngày càng gắn bó, bền chặt.