Tiết mục tham gia đêm giao lưu văn nghệ trong thực hiện công tác dân vận tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ. Mở đầu bằng giai điệu kèn đồng dõng dạc, tự hào báo hiệu chiến thắng đến rồi… ta nghe thấy ở đây có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, có âm hưởng điệu xòe hoa của dân tộc Thái xen lẫn với nhịp bước đi. Có hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; có cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở rộ, nương lúa mới của bản Mường và từng đàn em bé, từng đoàn dân công hỏa tuyến reo vui, vẫy chào: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản mường xưa nương lúa mới trồng/ Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòa hoa/ Dọc đường chiến thắng ta tiến về/ Đoàn dân công hỏa tuyến, vẫy chào pháo binh vượt qua”.
Rồi ta thấy, vẫn còn đấy hình ảnh của đoàn chiến sĩ chiến đấu những ngày qua “Súng đại bác quấn lá ngụy trang” và trong chiến đấu bộ đội thường phải ngụy trang để tránh máy bay địch, ngụy trang bằng lá cây rừng: từ mũ, ba lô, trang phục đến vũ khí (mà cụ thể trong bài hát này là những khẩu đại bác). Vì cành lá cây còn tươi nên những con bươm bướm đã bay theo, đậu trên những cành lá đó. Nên ở đây ta thấy cảnh thật đẹp mà tác giả đã nhìn thấy và mô tả “Từng đàn bươm bướm trắng dỡn lá ngụy trang”.
Trải qua chín năm đấu tranh gian khổ và nhất là 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, nhưng quân và dân ta “gan không núng, chí không sờn” đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đem lại niềm vui cho cả dân tộc, một niềm vui vô tận, bởi đã giành được chiến thắng vinh quang trước kẻ thù, đem lại tự do cho Tổ quốc: “Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc/ Đồng bào nao nức mong đón ta trở về/ Giờ chiến thắng ta đã về, vui mừng đón chúng ta tiến vể”, để rồi kết thúc lời 1 bài hát, giai điệu vút lên thật sảng khoái, hào hùng: “Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời/ Cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”.
Lời 2 của bài hát, tác giả cho thấy từ chiến thắng này bộ đội ta đã trưởng thành mau chóng, càng tin tưởng vào quyết tâm của trên, vào đường lối của Đảng, cho dù khó khăn gian khổ, đổ mồ hôi phá núi, bắc cầu, vượt rừng, lội suối… nhưng với quyết tâm và niềm tin sắt đá, quyết tâm chiến thắng kẻ thù giành tự do cho dân tộc, quyết tâm lao động sản xuất xây dựng đất nước, quân và dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, dâng Bác, báo cáo với Bác thỏa lòng Bác chờ mong: “Giải phóng miền Tây, bộ đội ta đã mau trưởng thành/ Thắng trận Điện Biên Phủ càng tin quyết tâm ở Trên/ Đổ mồ hôi phá núi bắc cầu vượt rừng qua suối đắp đường thắng lợi về đây/ Phương châm đánh chắc ta tiến lên, lực lượng như bão táp/ Quân thù mấy cũng phải tan/ Vang lừng tiếng súng khi mừng công/ Thỏa lòng ta dâng Bác bấy lâu chờ mong/ Xiết bao sướng vui nhìn đồng quê phơi phới/ Nông dân hăng hái khi chúng ta trở về/ Ruộng đất chúng ta đã về, vui mừng đón chúng ta đã về”… để rồi với Chiến thắng Điện Biên của các chiến sĩ Điện Biên làm nức lòng cả thế giới, khiến cả thế giới cùng đón mừng chiến dịch đại thắng, cùng góp sức xây dựng hòa bình: “Chiến sĩ Điện Biên, thế giới đang đón mừng/ Chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình”.
Đã 70 năm trôi qua, bài hát “Giải phóng Điện Biên” đã được nhiều thế hệ yêu âm nhạc Việt Nam đón nhận và thể hiện bằng nhiều hình thức: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca, hòa tấu, hợp xướng… Đặc biệt, giai điệu của bài hát, ngay sau Chiến thắng Điện Biên cho tới nay đã trở thành nhạc hiệu mở đầu các buổi phát thanh vào lúc 5h00 sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam. “Giải phóng Điện Biên” từ lâu được coi như một tượng đài bằng âm thanh của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam và quá đỗi quen thuộc với tất cả mọi người Việt Nam ta từ đó cho đến nay và mãi sau này.