Báo cáo Quốc hội về tình hình cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đối với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng nhu cầu cát thi công khoảng 29 triệu m3.
Nhu cầu vật liệu này được xác định lấy ở các tỉnh, thành phố: An Giang (hơn 9 triệu m3); Cần Thơ (hơn 7 triệu m3); Hậu Giang (6 triệu m3); Sóc Trăng (6,6 triệu m3).
Tính đến trung tuần tháng 10/2024, các địa phương đã xác định nguồn cung 23 triệu m3. Trong đó, khoảng 10 triệu m3 đã đủ điều kiện khai thác, đang hoàn thiện thủ tục 13 triệu m3. Khoảng 6 triệu m3 còn lại chưa xác định được nguồn.
Trong đó, tại dự án thành phần 4 (tỉnh Sóc Trăng), địa phương dự kiến khai thác tại 7 mỏ cát trên địa bàn tỉnh, trữ lượng đáp ứng nhu cầu 6,6 triệu m3. Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ có 2/7 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 760.000m3 đáp ứng chất lượng, tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác.
Phần cát còn thiếu hơn 5,8 triệu m3 dự kiến sử dụng nguồn cát biển, đang khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Mặc dù đã cơ bản xác định được nguồn cát, song, công suất khai thác chưa đáp ứng yêu cầu do phải điều chuyển để ưu tiên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau và khó khăn trong việc nâng công suất khai thác do phải bảo đảm môi trường", Bộ GTVT đánh giá.
Cân đối nguồn cát của 3 dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tại dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, tổng nhu cầu cát cần khoảng 3,2 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cung ứng và đã xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác, còn thiếu 0,4 triệu m3.
Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có tổng nhu cầu cát khoảng 3,1 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch cung ứng, tuy nhiên chưa xác định được nguồn cụ thể.
Với 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu đá cho các dự án thành phần cần khoảng 2,2 triệu m3, đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực với khả năng cung ứng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Đối với vật liệu cát đắp nền, Bộ GTVT cho biết, các đơn vị liên quan đã xác định được nguồn hơn 28 triệu m3 trên tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 gồm: tỉnh An Giang 6,8 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3, Tiền Giang 2 triệu m3, Bến Tre 2 triệu m3, Sóc Trăng 5,5 triệu m3 cát biển.
Tính đến ngày 10/10, khoảng gần 23 triệu m3 đã được cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác (An Giang 6,8 triệu m3; Đồng Tháp 7 triệu m3; Vĩnh Long 3,5 triệu m3; Sóc Trăng 5,5 triệu m3). Khoảng 5,5 triệu m3 còn lại đang hoàn tất thủ tục khai thác (tỉnh Tiền Giang 2 triệu m3, tỉnh Bến Tre 2 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long 1,5 triệu m3).
"Tỉnh An Giang cũng đã điều phối cho dự án 1,4 triệu m3 từ nguồn của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Đồng Tháp đã tăng công suất 2 mỏ để cấp cho dự án", Bộ GTVT thông tin.
Báo cáo Quốc hội về tình hình nghiên cứu các giải pháp nhằm đa dạng nguồn vật liệu sử dụng cho các dự án giao thông, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong một năm.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác đi Campuchia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng là dồi dào, cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam. Đây là nguồn cung lớn cho các dự án", Bộ GTVT thông tin.
Thiên An