PV: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (HHTGĐLSTP HCM) thành lập đến nay vừa tròn 1 năm, ông có thể cho biết hội đã đạt kết quả trong việc nghĩa tình này?
Đại tá Trần Thế Tuyển
Đó là kết quả bước đầu về cả hai tiêu chí hỗ trợ gia đình liệt sĩ về tinh thần và vật chất.
Về tinh thần, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng của TP. HCM và Quân đội nắm lại toàn bộ thực lực “diện chính sách” trên địa bàn. Còn bao nhiêu gia đình liệt sĩ chưa có đầy đủ thông tin về liệt sĩ để từ đó có kế hoạch hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi tìm phần mộ hoặc xác định danh tính liệt sĩ. Chúng tôi tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các cơ quan chức năng, những người thiện nguyện có kinh nghiệm tìm mộ liệt sĩ và các thân nhân liệt sĩ. Sự kết nối này bước đầu có hiệu quả. Các tổ chức thành viên của chúng tôi như Ban liên lạc CCB Trung đoàn 16, Trung đoàn 174... đã kết nối với các đơn vị và địa phương tìm kiếm được hàng trăm phần mộ liệt sĩ ở Tây Ninh, Đồng Nai, Long An... Và, mới đây phối hợp cùng UBND huyện Đắk Tô (Kon Tum) dựng bia tưởng niệm, ghi danh gần 100 liệt sĩ hy sinh cách đây hơn 50 năm tại chiến trường Tây Nguyên. Hỗ trợ về tinh thần cho gia đình liệt sĩ, hội chúng tôi phối hợp cùng UBND tỉnh Long An và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 vận động Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Chương trình nghệ thuật “Mẹ trong trái tim người lính” do hội phối hợp cùng Đảng ủy khối cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đài Truyền hình TP. HCM thực hiện tháng 12 năm 2020 cũng là điểm nhấn trong việc tri ân liệt sĩ thời gian qua của hội. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/2020) hội giao lưu và tặng quà trị giá hàng trăm triệu đồng cho 76 Mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống tại TP. HCM. Đặc san và trang tin tổng hợp “Linh khí Quốc gia” của hội được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động là kênh thông tin quan trọng để tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
Hỗ trợ về vật chất, chúng tôi vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ về tài chính để xây dựng và sửa chữa 50 căn nhà tình nghĩa với số tiền 3 tỷ đồng. Không chỉ thế, chúng tôi còn tặng sổ tiết kiệm, trợ cấp thương binh nặng, con em liệt sĩ đang gặp khó khăn với số tiền gần 100 triệu đồng. Gần đây, để chia sẻ với các gia đình lao động nghèo, trong đó có các gia đình thuộc diện chính sách, hội phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Báo Công Lý thuộc Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tại các Quận 12, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Với số hàng hóa trị giá trên 500 triệu đồng “Gian hàng 0 đồng” đã chia sẻ khó khăn gần 2000 gia đình trong đại dịch Covid 19…
PV: Tri ân liệt sĩ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ là việc làm thiện nguyện, không chỉ có nhiệt huyết mà quan trọng phải có cái tâm trong sáng. Từ thực tiễn của hội và cá nhân ông, người đã từng đảm nhiệm vai trò chủ chốt của các chương trình thiện nguyện, ông có thể chia sẻ thêm điều này?
Đại tá Trần Thế Tuyển
Đúng như bạn nói, điều quan trọng nhất làm thiện nguyện nói chung và tri ân, hỗ trợ gia đình liệt sĩ nói riêng phải có cái tâm trong sáng. Theo tôi hiểu, cái tâm trong sáng, thể hiện trước tiên đó là không vụ lợi. Người làm từ thiện, tri ân không được mượn cớ việc ấy để thực hiện mục đích mang tính lo cho cá nhân mình.
Thứ hai, làm việc nghĩa tình phải minh bạch, công khai về tài chính, đặc biệt phải giữ được chữ TÍN với xã hội, cộng đồng, đặc biệt với các nhà tài trợ đồng hành.
PV: Bên cạnh những người thiện nguyện trực tiếp thực hiện công việc tri ân, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, những nhà tài trợ đồng hành rất quan trọng. Ông có thể nói đôi điều về họ?
Đại tá Trần Thế Tuyển
Có nhiều nhà tài trợ, đồng hành với hội trong công việc thiện nguyện 1 năm qua, có thể kể đến những nhà tài trợ tiêu biểu như: Madam Đỗ Liên, doanh nhân Nguyễn Thanh Ngà, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, Công ty CP Thuốc lá Sài Gòn và nhiều nhà tài trợ khác họ yêu cầu không nêu danh tính.
PV: Xin ông chia sẻ điều mà ông tâm đắc nhất trong công việc thiện nguyện, tri ân, hỗ trợ gia đình liệt sĩ?
Đại tá Trần Thế Tuyển
Cụ Hồ từng nói: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”.
Vì thế cần nhận thức lại việc tri ân gia đình liệt sĩ từ đó có việc làm thiết thực, đúng đạo lý hơn.
PV: Cảm ơn đồng chí Chủ tịch hội về cuộc trò chuyện ý nghĩa này.