Giá nhà tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội vốn đã cao, lại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Trong khi đó, thu nhập của người lao động cải thiện không tương ứng khiến khả năng chi trả nhà ở tại Hà Nội liên tục sụt giảm trong vài năm qua. Điều này khiến những người có thu nhập ở mức trung bình phải gác lại ước mơ “an cư” hoặc tìm kiếm cơ hội tại khu vực có chi phí thấp hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nguyên nhân đơn giản là do họ không kiếm đủ tiền để thanh toán tiền mua nhà hoặc “theo kịp” các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng khi vay mua nhà.
Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, trước nguy cơ chiến tranh thương mại, khiến nhiều người cảm thấy lo lắng về khả năng tăng trưởng thu nhập.
Đồng thời, sự thay đổi trong lối sống của người trẻ cũng là một trong những nguyên nhân. Theo đó, giới trẻ ngày nay có xu hướng ưu tiên chất lượng cuộc sống, thông qua việc cân bằng giữa công việc và sự hưởng thụ hơn là “nhất định phải sở hữu nhà ở” bất chấp áp lực phải trả nợ hàng tháng.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, mức thu nhập tối thiểu được khuyến nghị để mua một ngôi nhà có giá trung bình tại Hà Nội cao hơn khoảng 2,3 đến 10 lần so với thu nhập trung bình của hộ gia đình tại Hà Nội. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động tại Hà Nội trong quý 3 năm 2024 đạt 10,7 triệu đồng/tháng. Giả định một hộ gia đình có 4 người, trong đó có 2 người trong độ tuổi lao động, tổng thu nhập hộ gia đình sẽ vào khoảng 21,4 triệu đồng/tháng.
Với mức giá sơ cấp căn hộ trung bình trong năm 2024 đạt 70 triệu đồng/m2, các dự án mở bán mới đều có giá từ 60 triệu đồng/m2, để có thể mua một căn hộ tại Hà Nội, người mua cần có mức thu nhập tối thiểu dao động từ 45 triệu đến 210 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào khu vực.
“Sự chênh lệch đáng kể giữa thu nhập trung bình thực tế và giá nhà, khiến việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội hiện nay không những là thách thức mà còn là không thể đối với đại đa số các hộ gia đình có mức thu nhập ở mức trung bình thậm chí là khá”, ông Đính nói.
Tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng hay Tây Hồ, khoảng cách giữa mức lương tối thiểu hàng năm cần thiết để trả tiền thế chấp và thu nhập hộ gia đình trung bình lên tới 10 con số. Trong khi đó, các khu vực ngoại thành như Hà Đông, Bắc Từ Liêm hay Long Biên có mức giá dễ tiếp cận hơn, nhưng cũng chỉ phù hợp với cá nhân, hộ gia đình có thu nhập từ 40 - 60 triệu/tháng.
Cụ thể, tính toán dựa vào giá nhà trung bình tại từng quận và giả định người mua có thể vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà với lãi suất trung bình 8%/năm trong 20 năm.
Theo nguyên tắc tài chính, tổng số tiền trả góp hàng tháng không nên vượt quá 40% thu nhập, thì thu nhập tối thiểu được khuyến nghị để mua một ngôi nhà có giá trung bình ở Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm cao hơn khoảng 2 tới 3 lần so với thu nhập hộ gia đình trung bình của người lao động Hà Nội.
Tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa hay Tây Hồ, thu nhập tối thiểu cần có đều ở mức trên 1 tỷ đồng/năm, tương đương với mức chênh lệch trong khoảng 3,7 đến 8 lần. Tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, mức chênh lệch là 3 tới 3,5 lần.
Điều này có nghĩa là việc mua nhà tại các quận Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm là khả thi hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập điển hình, với điều kiện họ sẵn sàng “chịu” gánh nặng chi phí, chi nhiều hơn 40% thu nhập cho khoản trả góp hàng tháng.
Chủ tịch VARS cho rằng, trong nhiều năm qua, với nhiều cá nhân và hộ gia đình có thu nhập trung bình điển hình, việc mua nhà không chỉ để đáp ứng nhu cầu an cư mà còn có thể là một hình thức đầu tư. Bởi lịch sử cho thấy, giá nhà ở các đô thị lớn tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, trong thập kỷ qua đã tăng bình quân nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập, cao hơn các kênh đầu tư khác và mức lãi suất vay.
Tuy nhiên, khả năng chi trả cho nhà ở của người có thu nhập trung bình đang ngày càng khó khăn khi giá nhà liên tục tăng, các dự án mới mở bán đều có giá bán cao, từ 60 triệu đồng/m2 trở lên.
Trong khi giá nhà ở Hà Nội đã “neo cao”, suy giảm kinh tế có thể khiến thu nhập người mua nhà giảm, làm giảm khả năng chi trả hoặc tăng áp lực trả nợ đối với những người đã vay vốn.
Lãi suất ngân hàng không cố định, và trong một số giai đoạn, việc điều chỉnh lãi suất làm khoản vay mua nhà trở nên đắt đỏ hơn, có thể khiến họ không thể đáp ứng việc chi trả cho các khoản trả góp.
Với mức lãi suất tốt như hiện nay, theo ông Đính, hộ gia đình có mức thu nhập điển hình hoặc cá nhân có mức thu nhập tương đương, có sẵn khoản tiền mặt ít nhất 30% giá trị căn hộ vẫn có thể lựa chọn phương án vay mua nhà. Tuy nhiên, người mua nhà cần chấp nhận dịch chuyển ra các khu vực có giá thấp hơn như các quận xa trung tâm hay các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội.
Tâm An