Cả tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ, nhưng bằng tình yêu học trò và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, những thầy cô giáo trẻ ấy đã đưa ra nhiều sáng kiến để học sinh (HS) luôn cảm thấy thích thú và đam mê với những tiết học.
Thầy Lưu Hoàng Phúc hướng dẫn HS cách trồng và chăm sóc rau củ quả tại vườn ươm của trường
Các thầy cô là những gương mặt được đề cử trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2018 của Thành đoàn TNCS TPHCM.
1. “Đi qua đoạn đường đầy đất đỏ, bước chân vào trường để nhận công tác một buổi chiều mưa, nước ngập tới đầu gối, tôi thoáng có chút băn khoăn khi trước mặt là một ngôi trường làng đúng nghĩa không hơn không kém”, thầy Nguyễn Minh Hồng, giáo viên Trường THCS An Phú Đông (quận 12) bồi hồi nhớ lại ngày đi nhận lớp. Nhưng sau 3 năm, thầy Hồng khẳng định đó không phải là sự lựa chọn sai lầm.
Cái khó ban đầu với thầy Hồng ở ngôi trường này không chỉ là cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn là ý thức của HS. Đa số các em đều là con nhà nghèo, ba mẹ bận rộn mưu sinh nên việc học của con không được quan tâm đến nơi đến chốn. Với môn học toán, các em còn tỏ ra chán nản hơn, bởi nó quá khô khan. Theo thầy Hồng, một bộ phận HS và giáo viên xem toán là môn học để thi cử chứ không thấy được sự lý thú, không nhận ra chiều sâu về ý nghĩa khi vận dụng nó. Nhất là những HS chưa giỏi môn Toán thường chán học, cảm thấy toán học xa lạ với cuộc sống, không có mối liên quan đến hoạt động vui chơi hàng ngày.
Với lòng yêu nghề, thương học trò, nhiều đêm không ngủ, thầy Hồng cặm cụi nghiên cứu tài liệu để đưa ra những sáng kiến, cải tiến cho môn học. Để làm rõ sự liên hệ của toán học với thực tiễn, theo thầy Hồng, giáo viên cần đưa ra nhiều ví dụ và bài tập mới làm cho HS thấy rằng các khái niệm, lý thuyết toán học là xuất phát từ thực tế trong sản xuất và đời sống. Qua đó giúp HS thấy toán học là công cụ có hiệu lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Từ các sáng kiến, thầy Hồng giúp tiết học của mình luôn sinh động và dễ hiểu. Các đề bài của thầy Hồng đưa ra luôn gần gũi, gắn với thực tiễn và giải quyết vấn đề cũng từ thực tiễn. Nhờ đó, HS bắt đầu hứng thú với môn học và tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Sau 2 năm áp dụng, sáng kiến “Phương pháp giảng dạy môn Toán cấp THCS gắn kết với đời sống thực tiễn” của thầy Hồng đã giúp kết quả học tập môn toán của HS trường vượt trội so với trước đó. Sáng kiến này không những nhận được sự đồng tình của thầy cô trong trường, HS hưởng ứng tích cực, mà còn mang về cho thầy Hồng giải nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2014-2015. Thầy Hồng còn được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND TPHCM trong công tác giảng dạy, tham gia công tác đoàn, phong trào thanh niên, sinh viên, HS; Nhà giáo trẻ tiêu biểu nhiều năm liên tục. Đồng thời, đây cũng là sáng kiến được áp dụng rộng rãi đến các trường trên địa bàn quận 12.
2. Là giáo viên tiểu học, nhiều lần cô Nguyễn Ngọc Thùy An, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) nhìn thấy học trò dửng dưng, thờ ơ trước người bạn tàn tật đang cố gắng bước từng bước khó nhọc vào lớp, hoặc vô tư xả rác ra sân trường. Đọc báo thấy nhiều vụ HS dùng vũ lực với nhau, các bạn đứng xem xung quanh lấy làm thích thú, cổ vũ, hò hét, kích động người trong cuộc, rồi bình phẩm, khen chê. “Tôi tự hỏi, vì sao các em lại vô cảm như vậy. Không chỉ với người khác mà hiện nay một bộ phận HS còn vô cảm với chính bản thân mình. Các em không cảm nhận được thế nào là đồng cảm, không biết giá trị của yêu, ghét, giận hờn, thậm chí không biết cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ, anh chị em ruột”, cô Thùy An trăn trở. Nhận ra lứa tuổi tiểu học là thời điểm quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho HS, cô An bắt tay thực hiện đề tài: Làm thế nào để HS không mắc “bệnh vô cảm”.
Theo cô An, cách tốt nhất là mỗi giáo viên phải giúp các em nuôi dưỡng lòng nhân ái, biết quan tâm đến các khó khăn của người khác. “Nếu chỉ nói sáo rỗng về lòng nhân ái, các em sẽ rất mau quên. Chúng tôi đưa ra các hoạt động để các em biết đóng góp, tương trợ HS nghèo vui Tết Trung thu, giúp đồng bào bị bão lụt... Từ đó, các em hiểu thế nào là sống hòa đồng, thân thiện, biết quan tâm đến khó khăn của người khác và vui chơi cùng nhau”, cô An chia sẻ. Chính nhờ sự lan tỏa cái đẹp của lòng nhân ái, đến nay đề tài của cô An đã được đưa vào các hoạt động ngoại khóa tại trường và mang lại hiệu quả tích cực.
Thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, bày tỏ: “Những sáng kiến kinh nghiệm của cô Thùy An đã được hiện thực hóa và nhân rộng bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa tại trường, nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và HS. Tôi mong sáng kiến này sẽ nhân rộng hơn nữa đến các đơn vị bạn để chúng ta cùng chung tay, góp phần làm nên một thế hệ trẻ Việt Nam không còn mắc bệnh vô cảm”.
3. Với 5 năm gắn bó vị trí giáo viên Tổng phụ trách đội của Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), thầy Lưu Hoàng Phúc không ngừng nghiên cứu, tìm tòi các thông tin bổ ích để HS có được sân chơi bổ ích và lành mạnh. Với nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong công tác đội, mang lại hiệu quả giáo dục như: giáo dục đạo đức cho HS thông qua việc giáo dục ngoại khóa và phát triển loại hình hát dân ca trong học đường; giáo dục đạo đức cho HS thông qua việc giáo dục ngoại khóa và việc thành lập, phát triển câu lạc bộ tuyên truyền măng non trong hoạt động đội..., thầy Phúc vinh dự đạt được nhiều vị trí thủ khoa trong các hội thi cấp thành phố, khu vực và quốc gia.
Để công tác đội mang tính định hướng, giáo dục cho HS, thầy Phúc thường tổ chức các phong trào nhẹ nhàng, thoải mái, không gò bó, bắt buộc, luôn đổi mới hoạt động để thu hút HS. Thầy luôn chú trọng tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... nhằm giáo dục lòng nhân ái cho học trò. Nụ cười hiền lành, thầy Phúc cho biết, niềm hạnh phúc và tự hào của mình chính là mỗi khi ra đường, nghe học trò gọi “Thầy Phúc ơi…”.
Quang Huy
Nguồn: sggp.org.vn