Năm 1971, nhà báo Đức Toại (Nguyễn Đức Toại-Báo Quân đội nhân dân) theo bộ đội tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Nghe tin về gương chiến đấu dũng cảm của Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, nhà báo Đức Toại lập tức tìm đến...
Sau khi làm việc với chỉ huy đơn vị, nhà báo Đức Toại xin được về “3 cùng” với trung đội của Thượng sĩ Phùng Quang Thanh. Sau nhiều tuần “thực mục sở thị” về những việc làm, tác phong, lối sống của người trung đội trưởng-dũng sĩ trên chiến trường, nhà báo Đức Toại tiếp tục tìm về Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội) để tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh gia đình, tuổi thơ của Thượng sĩ Phùng Quang Thanh...
Ngày 4-8-1971, bài báo với tiêu đề: “Người chỉ huy là dũng sĩ” viết về tấm gương chiến đấu dũng cảm của Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đăng nổi bật trên trang nhất và gần toàn bộ trang 3 Báo Quân đội nhân dân. Bài báo được dư luận rất quan tâm và lan tỏa trong bộ đội khắp các chiến trường. Nhân vật trong bài báo được bạn đọc biết đến là một trong những tấm gương điển hình xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 9-1971, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam.
Tiếc nhớ Đại tướng, Anh hùng Phùng Quang Thanh, Báo Quân đội nhân dân trân trọng đăng lại bài báo “Người chỉ huy là dũng sĩ” của cố nhà báo Đức Toại và những dòng nhật ký của Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh khi ở chiến trường Đường 9-Nam Lào năm 1971.
Đồng chí Phùng Quang Thanh (phía sau) chỉ thị mục tiêu cho chiến sĩ trung liên Bùi Đức Thành. Ảnh: ĐỨC TOẠI
"Buổi hành quân đầu tiên qua gần làng, Phùng Quang Thanh xúc động một cách khó tả. Bộ quần áo bộ đội mới còn nguyên nếp gấp, trong hàng ngũ hành quân ngay ngắn, chỉnh tề, Thanh nhìn lại làng quê mình như một người đi xa đã lâu vừa mới về, thấy cái gì cũng thân thiết, cũng gợi lại những kỷ niệm đã qua. Lũy tre làng hằng ngày từ đó Thanh cắp sách đến trường, sao hôm nay trông xanh biếc mượt mà đến thế! Đồng lúa xanh, đồng màu xanh. Tất cả đều xanh rờn lên một cách lạ mắt như Thanh chưa từng bao giờ trông thấy một màu xanh như vậy. Và kia là cái khung trắng của sân phơi hợp tác xã. Và kia nữa là khoanh đất hơi nhô cao lên được gọi là “đồi không tên” mỗi khi Thanh cùng lũ bạn diễn lại trận đánh của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Giá mà biết Thanh hành quân ngang qua đây, thế nào cũng có đứa tìm cách bỏ lớp chạy ra.
Mà ngày Thanh ra đi cũng thật đột ngột. Tất cả chúng nó đều yên trí Thanh không được đi vì chính sách đối với gia đình liệt sĩ. Bố của Thanh là bí thư chi bộ xã bị giặc bắn từ kháng chiến chống Pháp. Thanh lại là con một. Lần đầu, Thanh đi khám đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng bị gạt vì lý do còn thiếu mấy tháng mới đủ tuổi. Lần thứ hai, Thanh đủ tuổi thì ban tuyển quân không nhận, nói rõ vì lý do chính sách. Thế là Thanh chạy lên huyện đội. Thanh tìm gặp một đồng chí trong ban chỉ huy, đưa ngay lá đơn. Ngày hôm sau, Thanh lại chạy lên huyện đưa tiếp một lá đơn khác. Huyện hội ý về xã và xã gọi Thanh. Cái không khí trong văn phòng đảng ủy xã hôm ấy hết sức thân mật như gia đình. Đồng chí Bí thư đảng ủy xã kéo Thanh lại ngồi kề bên, cúi vào bên tai Thanh nói như bố ân cần nói với con:
- Cháu xung phong hăng hái như thế các bác rất hoan nghênh. Nhưng cháu cứ tiếp tục học, đảng ủy xã đã dự kiến sắp tới có dịp sẽ giới thiệu cháu đi học nước ngoài...
Thanh cũng đã từng nghe bạn bè nói như thế, nhưng với những điều đã suy nghĩ kỹ, Thanh trình bày: “Các bác trong đảng ủy quan tâm đến hoàn cảnh gia đình cháu, đến cháu như vậy, cháu rất cảm động, nhưng là thanh niên trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước này, cháu muốn được làm nhiệm vụ cầm súng trực tiếp giết giặc. Chắc bố cháu còn sống cũng vui lòng...”.
Rồi mãi cho tới những ngày cuối cùng, việc cho Thanh đi bộ đội mới được quyết định. Giá bây giờ được phép đến viếng bố trước lúc đi xa. Nghĩa trang liệt sĩ của xã đã hiện lên khá rõ sau mấy rặng cây. Nơi đó bố Thanh và các liệt sĩ của xã đã nằm yên nghỉ. Có cái gì như thôi thúc trong người Thanh. Nơi đó giờ đây có cái gì nghiêm trang một cách khác thường, khác hẳn với mọi lần mẹ và bà dẫn Thanh đến.
Chờ cho chính trị viên tiểu đoàn đi vượt lên, Thanh liền ngỏ lời: “Báo cáo thủ trưởng, tôi muốn tạt qua thăm bố tôi rồi đuổi theo đơn vị ngay". Chính trị viên tiểu đoàn ngạc nhiên: “Bố đồng chí đã hy sinh từ lâu mà...”.
"Vâng"-Thanh vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía nghĩa trang liệt sĩ. Chính trị viên kéo Thanh sang một bên đường. Anh nhìn về phía nghĩa trang một lúc rồi quay lại, kéo áo Thanh cho ngay ngắn, nắn lại cổ áo cho thẳng, rồi hình như cố nén xúc động, anh đẩy nhẹ vai Thanh về phía con đường rẽ ngang: "Đi đi nhé!".
Thanh đi như chạy về phía ấy và chẳng mấy chốc đến nơi. Như mọi lần theo mẹ và bà ra thăm nghĩa trang, Thanh đi vòng qua các mộ chí rồi đứng trước tấm bia lớn ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công” để tưởng niệm đến bố, đến các liệt sĩ. Nhưng khác với mọi lần, trước khi ra về, Thanh đứng thẳng người trong một tư thế hết sức trang nghiêm, đưa tay lên vành mũ và nói nhỏ: Con sẽ xứng đáng với bố và các đồng chí của bố!
* * *
Thế rồi, Thanh không ở tiểu đoàn bộ nữa. Theo yêu cầu của Thanh, anh được chuyển xuống làm chiến sĩ ở một đại đội chiến đấu. Thanh hứa sẽ phấn đấu làm được như một chiến sĩ trong Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ mà anh hằng tâm niệm lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Thanh liên tiếp được dự nhiều trận đánh; trận đánh diệt gọn một đại đội giặc Mỹ ở trên điểm cao 250 đã để lại cho anh một ấn tượng khá sâu sắc. Lần ấy, Thanh đi làm nhiệm vụ trinh sát, nhận trách nhiệm một mũi, Thanh bò vào gần bãi trống, nơi có đại đội lính Mỹ đóng quân. Lợi dụng cỏ tranh và cành khô, Thanh bò tới sát địch, đếm từng đứa, từng loại súng. Thanh đã lùi ra nhưng nghĩ tới việc chưa tìm ra chỗ ở của lũ sĩ quan địch, Thanh lại bò vào. Men theo các bụi cỏ tranh, Thanh vòng qua các phía và đột nhiên anh thấy có một hộp màu nâu để trên nắp hầm. Thanh nhìn kỹ thì hóa ra đó là chiếc bao da máy ảnh. Bên cạnh máy ảnh là ống nhòm và mấy khẩu súng lục. Nhìn vượt qua những cái đầu tóc quăn đang lố nhố trên miệng hầm, Thanh thấy phía sau có chiếc cần ăng-ten bẻ gập xuống hơi thấp. Đúng là vị trí của ban chỉ huy. Thanh bò trở lui cũng lẹ làng như lúc bò vào, mang tất cả tình hình bố trí của địch về cho đại đội trưởng.
Trận đánh tiêu diệt một đại đội Mỹ kết thúc nhanh, gọn. Địch chẳng gọi kịp máy bay, đại bác đến bắn chi viện. Sau trận đánh, Thanh được bình công loại một. Thanh cảm thấy mình chưa xứng đáng bằng các chiến sĩ xung kích, nhưng đại đội trưởng đã nói với Thanh: “Anh em xung kích hoan nghênh cậu lắm đấy. Nhờ cậu phát hiện vị trí chỉ huy, thông tin rất chính xác mà trận đánh diễn ra rất thuận lợi. Lũ sĩ quan chỉ huy cùng phương tiện thông tin bị đập nát từ phút mở màn trận đánh, bọn lính địch còn lại như rắn mất đầu. Đánh địch mà vừa có dũng, vừa có mưu thì thắng càng nhanh, càng gọn...”.
Hai tháng sau trận này, Thanh được cử làm tiểu đội trưởng. Rồi khi bước vào đợt chiến đấu mới, Thanh lên phụ trách trung đội phó. Nhận nhiệm vụ, Thanh rất lo. Trước kia, Thanh chỉ mơ ước trở thành một dũng sĩ như các chiến sĩ trong Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, nhưng bây giờ thì Thanh phải biết chỉ huy những dũng sĩ như thế. Chuyện này Thanh chưa nghĩ tới. Lúc còn học ở nhà, có lần Thanh được điểm ưu về một đoạn văn viết về Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Xúc động trước chiến công của họ, Thanh ca ngợi những hành động dũng cảm và mưu trí của các chiến sĩ trẻ cùng lứa tuổi với Thanh, nhưng có một điều Thanh chưa nói tới được. Giá bây giờ được viết lại, chắc là Thanh sẽ viết thêm đầy đủ hơn. Những buổi dự bồi dưỡng cán bộ hàng tuần, những lần chính trị viên và đại đội trưởng đi sát giúp đỡ ý kiến đã gợi lên trong Thanh một ý nghĩ rất rõ: Các dũng sĩ Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ lập được thành tích diệt địch gấp hơn hai mươi lần số lượng của mình là nhờ được kết hợp lại với nhau trong một thế trận rất tốt!
Trong trận đánh ngày 10 tháng 2, khi Phùng Quang Thanh dẫn chín chiến sĩ trong trung đội của mình chạy lên mỏm 2 của “đồi không tên” thì ý nghĩ đầu tiên đối với anh, là phải tìm ra một thế trận cho tốt. Mặc cho bom đạn đang nổ ùng oàng xung quanh, Thanh vừa chạy vừa ngẩng nhìn về phía trước để quan sát địa hình. Một đại đội địch đã tiến lên mỏm 3, đang tìm cách tiến qua mỏm 2. Từ mỏm 3 qua mỏm 2 chỉ cách có một cái “yên ngựa”. Ai sẽ chiếm được lợi thế? Phùng Quang Thanh lướt nhìn về đội hình của chiến sĩ rồi hô lớn: “Theo tôi, chạy!”.
Bài "Người chỉ huy là dũng sĩ" của nhà báo Đức Toại viết về đồng chí Phùng Quang Thanh đăng nổi bật trên trang nhất và gần toàn bộ trang 3 Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 4-8-1971.
Một cuộc chạy đua giữa ta và địch. Các chiến sĩ hiểu rõ ý định của người chỉ huy, đạp lên cỏ tranh, cành cây khô, chạy lên phía trước. Mỏm đồi cao như treo trước mắt các chiến sĩ. Một cuộc chạy ngược lên đỉnh đồi, mệt như muốn đứt hơi, nhưng không một chiến sĩ nào chịu rớt lại đằng sau. Khi các chiến sĩ đã được bố trí thành đội hình vòng cung trên mỏm 2 của “đồi không tên” thì quân địch vẫn chưa hề hay biết. Chúng vẫn lóp ngóp đi lên. Phùng Quang Thanh nắm chắc lợi thế về địa hình và yếu tố bí mật, bất ngờ, liền bỏ qua các nơi, điều chỉnh đội hình. Thanh điều hai khẩu trung liên ra hai cánh, chốt ở những vị trí có thể phát huy hỏa lực bắn quét từ bên này qua bên kia. Toàn thân mồ hôi nhễ nhại, cổ khô đắng, Thanh khẩn trương lướt qua cỏ tranh tới từng vị trí, phổ biến cách đánh cho các chiến sĩ. Trong tư thế nằm sấp, đầu hơi cúi xuống để địch không thể nom thấy-kể cả những tên địch đang còn đứng cao trên mỏm 3-Thanh đưa tay qua cổ, chỉ lên mặt trời lúc ấy đang ở đỉnh đầu và nói: “Chúng ta phải sẵn sàng chốt chặt nơi này cho tới chiều, bất kỳ địch đông đến mấy. Phải tranh thủ củng cố công sự. Nhớ tiết kiệm đạn. Phải bắn trúng đích từ viên đạn đầu. Và có lệnh mới bắn!”.
Phùng Quang Thanh lại gọi Tiểu đội trưởng Trần Thanh Xuân và Nguyễn Văn Khanh lại, thống nhất thêm về cách đánh, nêu một số giả thiết về địch để hành động cho thật ăn ý. Mọi việc xếp đặt xong xuôi khi những tên địch đi đầu chỉ còn cách trận địa của Phùng Quang Thanh khoảng 20 mét. Trước mặt chúng vẫn im lìm, không có một dấu hiệu khả nghi nào. Từng tốp địch tụm năm, tụm ba vẫn hướng mỏm đồi đi lên. Địch chỉ còn cách 10 mét. Rồi 8 mét. Tiểu đội phó Hà Tiến Dần nghiêng mặt nhìn về phía Trung đội phó Phùng Quang Thanh xin được nổ súng, nhưng Thanh ra hiệu chờ địch tới gần hơn nữa mới bắn. Đội hình của địch nhích dần, nhích dần. Đúng theo quy định, khẩu tiểu liên trong tay Nguyễn Văn Khanh nổ ran. Hà Tiến Dần, Đặng Đình Mai liền nổ súng theo. Khẩu trung liên của Hà Quang Lại cũng lập tức quét mạnh. Địch đổ rạp xuống từng mảng, từng tên địch đi đầu ngã lăn cách gờ công sự chưa đầy 5 mét. Trong tiếng gầm của máy bay lên thẳng và tiếng nổ đanh của đạn bắn thẳng, nghe rất rõ tiếng gào thét kinh hoàng của những tên lính địch bị thương đang nằm lăn lóc trên triền đồi.
(còn nữa)
(Trích nhật ký của đồng chí Phùng Quang Thanh đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 4-8-1971)
1 tháng 2: Đi đâu? Từ lúc bỏ trục đường chính, len rừng mà đi, hàng trăm câu hỏi của anh em đặt ra chỉ xoáy quanh một việc: Đi đâu? Sao im ắng thế này. Tiếng máy bay địch rú miết trên trời. Đi đâu cũng được. Đâu có giặc là ta cứ đi. Nhưng chỉ mong sao được đi nhanh. Anh em đều sung sức và sốt ruột muốn đánh. Mình cũng vậy. Thấy Bùi Duy Tuấn có vẻ mệt, mình chạy tới muốn vác hộ trung liên nhưng Tuấn không nghe. Cậu ta bảo: “Sắp đánh tới nơi rồi, không thể rời súng một phút!”. Tự nhiên lại nhớ tới cậu Đức. Không chừng nó đang hành quân ở phía trước cũng nên. Hôm mình báo tin sắp đi bộ đội, Đức ngạc nhiên lắm. Nó rất thích vào đại học nhưng rồi vẫn đi. Hóa ra nó tranh luận với mình là để thử lại những suy nghĩ của nó.
3 tháng 2: Nhớ lại chuyện cũ giữa mình với Đức, bao nhiêu đêm trao đổi với nhau về anh Nguyễn Văn Trỗi, về Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Một người cũng thắng. Một tiểu đội cũng thắng... Bây giờ thì mình chỉ huy một trung đội. Làm thế nào cho xứng đáng với chiến sĩ? Phải kiên cường, dũng cảm. Chỉ huy mà không gương mẫu và kiên cường, dũng cảm thì đâu còn là chỉ huy nữa? Nhưng còn phải mưu trí, phải biết bố trí cách đánh để mỗi chiến sĩ có thể đánh thắng 10 địch, 20 địch hay hơn nữa. Ước ao sao được đánh giáp lá cà với địch. Bố ơi! Con phải giáp mặt những tên địch đã giết bố, đã tàn sát bao nhiêu anh chị, chú bác, đồng bào miền Nam. Phải tận đôi mắt của con nhìn thẳng vào mặt chúng nó, thét lên tất cả nỗi căm hận chứa chất của con.
8 tháng 2: Pháo địch nổ ầm ầm nghe rất gần. Có thể bất thần đánh nhau ngay với địch đây. Chạy qua các tiểu đội nói chuyện với một số chiến sĩ và xem thái độ của anh em, ai cũng trầm tĩnh và chỉ mong được ra quân đầu tiên. Mình động viên các chiến sĩ nhưng thái độ của các chiến sĩ cũng động viên mình rất nhiều. Chiến sĩ như thế thì phải thắng. Chỉ còn trách nhiệm của người chỉ huy.
11 tháng 2: Nhận được 10 điếu thuốc lá Trường Sơn chữ đỏ của trung đoàn trưởng gửi tặng. Chạy qua các hầm chia cho anh em tham dự trận đánh thắng ngày 10-2. Anh em rất cảm động. Mười người nhận thuốc lá nhưng cả trung đội chuyền cho nhau hút. Có một chiến sĩ nói: “Lần sau thì anh Thanh cố gắng cho cả trung đội được mỗi người một điếu nhá!”. Mình trả lời: “Tùy anh em”. Nhưng khi về hầm thì suy nghĩ nhiều. Làm sao sử dụng được đội hình trung đội để mỗi chiến sĩ đều phát huy được tinh thần dũng mãnh đánh địch. Khí thế đánh địch của anh em rất cao. Chỉ cần mình biết xử trí đúng trong lúc chỉ huy.
14 tháng 2: Cái ý nghĩ cả trung đội có thể được khen thưởng về trận đánh thắng ngày hôm qua làm mình vui nhưng khi nghĩ đến vết thương lại lo lắng. Có thể phải đi viện mất. Đi viện giữa lúc này thì khổ tâm quá, phải xa anh em, xa đơn vị. Rồi có thể hết chiến dịch mới được ra viện. Cứ nghĩ đến đó là không thể nào yên tâm được.
20 tháng 2: Thế là phải chuyển khỏi trạm phẫu thuật để đi viện. Không còn hy vọng trở về đơn vị thật nhanh được. Đêm qua không ngủ vì nhớ anh em, nhớ đơn vị. Chỉ còn cách phấn đấu điều trị thật tốt.
25 tháng 2: Một mảnh đạn còn nằm kềnh trong vai nhưng nếu mổ lấy ra ngay thì biết bao giờ mới trở lại đơn vị được? Cứ để tạm nó nằm trong đó, đánh xong hẵng hay.
1 tháng 3: Đã đi lại tốt, tuy người còn xanh. Hằng ngày tìm công việc để làm và rèn luyện đôi tay. Cánh tay phải trở lại như cũ mới mong thuyết phục được chuyên môn cho ra viện sớm. Phải trở về đơn vị trước lúc chiến dịch kết thúc.
13 tháng 3: Ra viện!
Sáng nay, suýt tí nữa thì quên đi chia tay và cảm ơn các đồng chí nam nữ hộ lý, y tá đã chăm sóc mình tận tình. Đêm nay không sao ngủ được. Đã đi được một ngày đường vượt qua mấy trạm nhưng sao vẫn thấy chậm. Chiến dịch vẫn chưa kết thúc! Nhanh chân lên Thanh ơi!
17 tháng 3: Trở về đơn vị cũ. Anh em còn đông đủ. Sung sướng biết bao nhiêu. Ngày mai sẽ nhận nhiệm vụ chiến đấu. Cũng có thể là ngay bây giờ. Khẩu tiểu liên quen thuộc lại nằm gọn trong mình. Phải giáp mặt địch và phải chiến thắng.
20 tháng 3: Hôm qua, cả đại đội đã giáp mặt quân địch trong một trận đánh mới. Cái ý chí muốn đánh giáp mặt địch đã tạo nên trong anh em một khí thế xung trận hoàn toàn áp đảo kẻ thù. Giáp mặt địch là phát huy được yếu tố tinh thần của chiến sĩ, là khoét sâu được nhược điểm tinh thần bạc nhược của địch…