Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Dương được thành lập theo Quyết định số 1763 ngày 9-7-2015 của UBND tỉnh Bình Dương. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp CCB, cựu quân nhân trên mặt trận kinh tế để cùng nhau hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chia sẻ thông tin, đào tạo nhân lực, định hướng phát triển. Hội không chỉ là cầu nối giữa các hội viên với nhau mà còn gắn kết giữa hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội Doanh nhân CCB tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh và chủ động liên doanh, liên kết, xúc tiến thương mại với các đơn vị bạn để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển hội xứng tầm của một tỉnh công nghiệp hàng đầu cả nước. Hội đã đạt nhiều kết quả trong các công tác xây dựng, phát triển hội, tiêu biểu là phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu để học tập, rút kinh nghiệm cũng như mở rộng thị trường; thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác với Hội CCB tỉnh; không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, hội đã tích cực tham gia các công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội và tích cực ủng hộ các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.
Trong 5 năm qua, hội đã phối hợp cùng Hội CCB các địa phương tặng gần 2.500 phần quà với tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng, xây tặng 16 nhà nghĩa tình đồng đội tổng giá trị 960 triệu đồng. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19”, các doanh nhân CCB tỉnh Bình Dương đã đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Gần đây nhất, hội đã vận động ủng hộ đồng bào bị bão lũ miền Trung bước đầu được 75 triệu đồng… Bên cạnh đó, hội xây dựng được nhiều mô hình từ thiện hiệu quả, ý nghĩa như: “Hũ gạo tình thương”, tặng thẻ “Tấm lòng vàng” giúp đỡ con em CCB có hoàn cảnh khó khăn, tham gia sửa chữa đường giao thông nông thôn…
Ông Phan Thành Sơn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh nhận xét, Hội Doanh nhân CCB tỉnh được thành lập mới hơn 5 năm, dù có những khó khăn trong hoạt động, nhưng với quyết tâm từng là những người lính từng trải sau khi trở về đời thường, các CCB đã phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ và tự lực, tự cường, luôn tích cực trong hoạt động công tác hội, biết vận dụng tiềm lực hiện có và khắc phục khó khăn, cũng như có những chia sẽ, giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế gia đình và có nhiều người đã trở thành doanh nhân khá thành đạt, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Điểm nổi bật là các doanh nhân CCB luôn thực hiện tốt chủ trương huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá, phát triển công nghiệp và đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Song hành với bước phát triển ấy, các doanh nhân CCB còn tạo nên nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh như trồng hoa lan cây kiểng, nuôi chim cá cảnh, trồng rau trong nhà lưới, chăn nuôi công nghệ cao…
8 năm trước, ông Tô Văn Đường, hội viên Chi hội Doanh nhân CCB TX.Bến Cát không nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân. Song, trước xu thế phát triển kinh tế công nghiệp - đô thị tại địa phương, cùng với phẩm chất “tiên phong”, “đi đầu” của bộ đội Cụ Hồ, ông đã vượt qua nhiều khó khăn ban đầu và thành công trong nghề trồng hoa lan. Từ năm 2012 đến nay, trên diện tích 3.000m2, ông trồng được 8.000 giò lan Mokara, thu lợi khoảng 15 - 18 triệu đồng/tháng. Ổn định về kinh tế, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng lan cho đồng đội cùng nhân dân trong khu vực; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động của Hội Doanh nhân CCB tỉnh. Vườn lan của ông còn là một trong những mô hình “CCB làm kinh tế giỏi và có nhiều cống hiến cho cộng đồng”.
Còn ông Dương Văn Cải, hội viên Chi hội Doanh nhân CCB huyện Dầu Tiếng lại thành công với mô hình trang trại nuôi heo. Điểm khác biệt của trại heo này trên cùng địa bàn chính tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi, từ khâu chọn giống, cho heo ăn và chăm sóc heo, cho đến khi xuất chuồng, đưa heo về nơi tiêu thụ... Nhờ vậy, nên đàn heo luôn khỏe mạnh, mau lớn, chăn nuôi hiệu quả. Khoảng 6 tháng/1 lần, trại heo nhà ông Cải xuất chuồng khoảng 3.000 con, mỗi con có trọng lượng bình quân 1 tạ. Năm 2020, nhờ giá heo hơi ổn định khoảng 8 triệu đồng/tạ, nên trang trại của ông Cải thu về trên 20 tỷ đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong 5 năm qua, các cấp Hội Doanh nhân CCB tỉnh còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, nhất là phối hợp, liên tịch với các ngành, đoàn thể, mở rộng các hoạt động hội ngày càng phong phú, góp phần cùng chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, phòng chống dịch bệnh, giao lưu với các đơn vị bạn nhằm phát triển kinh tế, tặng quà cho những hộ dân nghèo, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”... với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng.
Với phương châm: “Đoàn kết - gương mẫu - nghĩa tình - hợp tác - phát triển”, trong thời gian tới, Hội Doanh nhân CCB tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, tích cực triển khai thực hiện nghị quyết của hội gắn với nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, hội sẽ tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm như: Củng cố tổ chức chi hội, phát triển hội viên mới; tạo điều kiện cho hội viên phát huy truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ; làm lan tỏa sâu rộng mô hình “CCB làm kinh tế giỏi và có nhiều cống hiến cho cộng đồng”.