Cụm tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”
Đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca đau đáu nỗi lòng:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa.
Mô hình ghe câu, phương tiện đưa binh phu đi Hoàng Sa, Trường sa từ đầu thứ kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX
Với những người lính làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo, ròng rã 6 tháng lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền nhỏ, lại phải thường xuyên đối mặt với sóng to gió cả thì hiểm nguy luôn rình rập. Vì thế, trong hành trang đi Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài lương thực thực phẩm và những vật dụng thiết yếu, mỗi thủy thủ can trường còn phải tự chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Chẳng may qua đời thì những người đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng chiếc thẻ bài vào manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây, thả xuống biển, hy vọng nếu xác trôi dạt vào bờ sẽ xác định được tên họ, quê quán của người đã vì nước quên thân.
Ở Lý Sơn, hầu hết các tộc họ có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực hiện lễ khao lề thế lính. Đây là nghi lễ nhằm khao quân, tế sống và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó, mặt khác còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.
Trải qua nhiều thế kỷ, đã có biết bao người con Lý Sơn ra đi không trở về. Để linh hồn người chết được đoàn tụ với gia đình, cũng như phần nào xoa dịu nỗi đau trong lòng người sống, dân đảo đã lập đàn cúng bái, làm lễ chiêu hồn nhập xác và lập nên những ngôi mộ gió.
Đến Lý Sơn, tham quan các di tích lịch sử, càng tự hào về truyền thống của cha ông. Xưa kia, các Đội hùng binh vâng lệnh vua ban, cưỡi sóng vượt biển, cắm mốc chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngày nay, tiếp nối thành quả của các hế hệ đi trước, những ngư dân Lý Sơn lại hiên ngang giong buồm ra khơi làm giàu cho quê hương và góp phần gìn giữ sự trường tồn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.