Với vết thương trên cơ thể từ những ngày giữ gìn biên giới Tây Nam năm 1979, thương binh Phạm Văn Bảy rời quê nhà Nghệ An vào lập nghiệp tại Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trên mảnh đất đồi Gan Thy đầy gió.
Ở tuổi 64, ông Bảy vẫn sang sảng cười, nói, lao động. Ông kể lại, thôn Gan Thy cũng như hầu hết vùng kinh tế mới Nam Ban đều trồng cà phê và cũng như mọi người, ông cùng gia đình gắn bó với cây cà.
Hồi năm 1997, Gan Thy rất khó khăn, điện không có, đường đi lại chủ yếu đi bộ và xe máy, còn ô tô không vào được. Vì vậy, giá đất vườn rất rẻ và nhà ông mua gom từ từ được hơn 6 ha. Đất Gan Thy là đồi đất đỏ, cây cà phê sống rất hợp nhưng do địa hình cao nên gió rất lớn. Mỗi mùa gió, cả vườn cà phê nghiêng ngả, hoa, trái non rụng rất nhiều. Vậy là ông Bảy đi học hỏi, tìm cây che bóng, che gió cho vườn cà phê và ông quyết định trồng xen canh, đa cây trên cùng một diện tích đất.
Ông tìm mua giống sầu riêng Thái Lan cơm vàng hạt lép, trồng với khoảng cách 9x9 m trong vườn cà phê. Mỗi ha, ông trồng xen được 100 cây sầu riêng, bên cạnh 1 ngàn gốc cà phê robusta.
Đồi cao, độ dốc lớn, gió nhiều vô cùng thích hợp với cây sầu riêng và 500 cây sầu riêng đã có 200 cây cho trái. Tính trung bình mùa 2018 và 2019, mỗi năm ông thu được 30 tấn trái với giá bán trung bình 60 ngàn đồng/kg ngay tại vườn, do thương lái tự cắt sầu riêng, tự cân và trả tiền.
Với cà phê, sau khi trồng xen ông thu được 4 tấn nhân/ha/vụ, mỗi năm thu 25 tấn nhân. Ông còn trồng bơ 034, bơ booth xen thanh long, xen tiêu. Ông Bảy tính toán, trừ chi phí, mỗi năm từ vườn sầu riêng gia đình thu được 1,5 tỷ đồng. Không chỉ thu từ sầu riêng, ông còn thu tiền từ tiêu, bơ, cà phê, thanh long...tổng thu nhập phải trên 2 tỷ đồng/năm.
Điều làm ông Bảy tâm đắc chính là việc trồng xen canh giúp vườn cây rất khỏe. Ông chia sẻ, nhiều hộ trồng thuần sầu riêng, thuần bơ hay tiêu đã tới vườn nhà ông tham quan và cho biết, vườn trồng thuần cây khó chăm sóc hơn, hay bị nấm bệnh. Còn nhà ông, trồng xen canh nhiều loài cây nên tạo ra nhiều tán cao, thấp, tạo môi trường cạnh tranh gần giống với môi trường sống tự nhiên của cây. Vì vậy vườn cây rất khỏe, ít bệnh, công chăm sóc thuốc men ít, chất lượng trái bảo đảm. Có thời điểm, giá sầu riêng cắt tại vườn được bán với mức 65 ngàn đồng/kg, 1 cây ông thu về cả chục triệu đồng trong khi chi phí tầm 500 ngàn đồng/cây/vụ. Ông chia sẻ: “Là nông dân, mình phải mạnh dạn thay đổi tư duy, sẵn sàng thử thách với những cây trồng mới. Chỉ có như vậy mới có thể đột phá, mang lại thu nhập trên đất. Nhà tôi gần như là hộ đầu tiên chặt bớt cà phê trồng xen sầu riêng, khi mới trồng bà con cũng nghi ngại rất nhiều vì không biết sầu riêng có ra trái nổi ở Gia Lâm này không. Thành công quả thật là ngoài mong đợi của gia đình”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Phạm Văn Bảy vẫn giữ vững tinh thần người lính Cụ Hồ, nhiệt tình với bà con xung quanh, với đồng đội. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cho bà con cần tìm hiểu, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ như xây dựng nông thôn mới, khuyến học khuyến tài.
Anh Lâm Gia Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm chia sẻ, anh cũng như cả xã đều coi ông Phạm Văn Bảy là tấm gương về lao động sản xuất giỏi, nhiệt tình với địa phương, với bà con. Từ tấm gương cựu chiến binh Phạm Văn Bảy, nông dân Gia Lâm và các xã lân cận học hỏi, thay đổi cơ cấu cây trồng, trồng xen các cây ăn trái, cây lâm nghiệp trong vườn cà phê, vừa cho thu nhập cao lại bảo đảm môi trường canh tác bền vững.