(QK7 Online) - Chiều ngày 30-11, Quân khu 7 tổ chức hội nghị thông qua Đề cương định hướng trưng bày Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh lần 2. Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Trên cơ sở tiếp thu từ các đóng góp của hội nghị lần 1 vào tháng 5-2022, Tiến sĩ Trần Thị Nhung, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội Nam bộ trình bày nội dung Đề cương định hướng trưng bày Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh lần 2 với nhiều nội dung bổ sung, điều chỉnh như trưng bày theo các tiểu chủ đề về chiến dịch Hồ Chí Minh từ góc độ hiện nay nhìn lại, đảm bảo tính chính xác và khách quan của lịch sử; gợi mở tiếp cận đa dạng các góc nhìn lịch sử và tự trải nghiệm của du khách; sử dụng công nghệ như màn hình chạm tương tác thông minh; các nội dung trưng bày ngoài trời và chuyên đề; đầu tư ánh sáng và bảo đảm nhiệt độ trong các phòng trưng bày nhằm giữ gìn chất lượng cho các hình ảnh, hiện vật...
Tiến sĩ Trần Thị Nhung, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội Nam bộ trình bày dự thảo đề cương lần 2.
Đóng góp tại hội nghị, các đại biểu đánh giá dự thảo lần 2 đã có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn so với trước. Các ý kiến đề nghị đề cương điều chỉnh câu từ phù hợp cho các tiêu đề trưng bày; bổ sung việc thực hiện không gian trưng bày sa hình kèm các phim 3D, mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động...
Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu nhấn mạnh, các nội dung, hình thức trưng bày phải được nghiên cứu từ góc độ các nhà chuyên môn lẫn nhu cầu của khách tham quan hiện đại, có như thế Bảo tàng mới tái hiện đầy đủ, toàn diện về chiến dịch Hồ Chí Minh một cách khách quan và ý nghĩa, đồng thời thu hút được nhiều công chúng đến tham quan. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu đề nghị ban biên soạn tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh đề cương, trình Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu phê duyệt nhằm sớm hoàn tất thiết kế trưng bày Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng đóp góp ý kiến cho dự thảo.
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, địa chỉ số 2, đường Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng trên khuôn viên hơn 6.700m2. Bảo tàng được thành lập năm 1987 với tên gọi “Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh”, trực thuộc Bảo tàng Quân khu 7. Phòng trưng bày có 6.293 hiện vật, hơn 500 hình ảnh, trong đó có 2.881 hiện vật gốc và có Bảo vật Quốc gia là Sổ tay Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Năm 2003, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chỉnh trang, trưng bày mới lại bảo tàng với các nội dung trưng bày: Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh; Sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn (30/4/1975), Điện ảnh Quân giải phóng (B2).
Ngày 11-12-2020, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định 3936/QĐ-BQP thành lập Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Quân khu 7. Việc thành lập Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi để Quân khu 7 đầu tư xây dựng Đề án “Tổ chức và hoạt động của Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”, phát triển thành một bảo tàng hiện đại, tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; có quy mô xứng tầm ở một Thành phố trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, một địa điểm tham quan học tập, nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hải Yến