Năm 1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã chỉ ra 4 nguy cơ đối với vận mệnh nước nhà.
Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Nguyễn Hữu Định tặng bằng khen cho các đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2011-2015). Ảnh: P.Hằng
* Từ 4 nguy cơ đến 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”Đó là “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”1.
Hơn 20 năm sau, Đảng nhận định 4 nguy cơ đó “vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”2.
“Tự diễn biến” là sự thay đổi ngay từ nội bộ theo chiều hướng xấu, tiêu cực. Ở phạm vi tổ chức là làm thay đổi bản chất chính trị, làm suy yếu và tan rã tổ chức đó. Ở cá nhân là sự thay đổi về nhận thức chính trị - xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, có hành động xa rời, đi ngược lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, tư tưởng của Đảng. “Tự chuyển hóa” là hậu quả tất yếu của quá trình “tự diễn biến”, là thời điểm đã có sự chuyển hóa thay đổi về bản chất, về chính trị nên hết sức nguy hiểm3.
Mới đây, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XII), Trung ương cũng chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên những câu chữ trong nghị quyết mang nội dung sát thực tiễn cuộc sống xã hội, của nhân dân.
Những biểu hiện đó, khác nào là mầm mống của ung thư tiềm ẩn trong cơ thể của mỗi cán bộ, đảng viên. Cội nguồn “ung thư” trên, được “sinh thiết” ở 15 điểm. Trong đó có: việc truyền đạt nội dung về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết của Đảng chậm đổi mới, kém hiệu quả; sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức; nguyên tắc tự phê bình và phê bình không nghiêm; thiếu giải pháp định hướng thông tin, chưa phát huy tốt vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo trên còn chưa hiệu quả. Đáng quan tâm là công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế; một số nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi và thiếu chế tài xử lý; chưa có cơ chế xử lý những tập thể, cá nhân không thực hiện và thực hiện không nghiêm túc nghị quyết; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm… ; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; thiếucơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết; và thiếu quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng.
Nhưng nguyên nhân sâu xa, chủ yếu vẫn là con người. Những ung nhọt đó, là do bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất4.
* Trách nhiệm trước đảng, trước dân
Đảng cũng chỉ rõ 29 giải pháp với 4 “phác đồ” điều trị căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Đó là: chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình (với 10 nội dung); về cơ chế chính sách (với 6 nội dung); về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng (với 8 nội dung) và về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội (với 5 nội dung) mà mục tiêu cốt lõi là: củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cần thật sự thấy được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân; là bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân; cán bộ, đảng viên phải có cam kết trách nhiệm nêu gương về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”; khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt”… không lành mạnh với động cơ không trong sáng; khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Công khai kết quả công tác kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tập trung xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm; xử lý những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có lời nói và việc làm biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”5.
Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải thực hiện hiệu quả; nghiêm túc tiếp dân để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” .
Hơn lúc nào hết, người đảng viên cần nhớ lại bản chất của người chiến sĩ cách mạng là “đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân…; có đạo đức và lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân”6; người cán bộ, công chức thì phải “tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”7 như Bác Hồ khẳng định “vô luận việc gì, đều do người làm ra”8, luôn tâm niệm “sống, chiến đấu, lao động, học tập” đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho cán bộ, đảng viên “cán bộ chăm chỉ làm việc, chăm chỉ chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”9, thật sự làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Nguyễn Quân
Nguồn: baodongnai.vn
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, trang 204.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 68.
(3) Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên), Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật; Hà Nội, 2016, trang 317-318.
(4) Dẫn theo Tuổi trẻ online (TTO) mục Chính trị - Xã hội, ngày 31-10-2016, toàn văn Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
(5) TTO (ngày 31-10-2016) đã dẫn.
(6) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, trang 7.
(7) Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
(8, 9) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền và những vấn đề về khoa học quản lý, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, trang 271 và 273.