Trung tướng Dương Cự Tẩm.
Cuối năm 1945, đồng chí gia nhập Vệ quốc đoàn. Tháng 11-1945, đồng chí cùng các đồng chí Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình và Lê Trọng Thời được Bộ Quốc phòng cử sang Thái Lan mua vũ khí tiếp tế cho cách mạng ở Nam Bộ. Tháng 12-1945, Trung ương Đảng chỉ đạo giúp Lào khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Bộ Chỉ huy Việt kiều Giải phóng quân tỉnh Thàkhẹt. Khi nhận nhiệm vụ Chính trị viên, đồng chí tiếp xúc với Hoàng thân Xuphanuvông và tham dự Lễ ra mắt của Chính phủ Cách mạng lâm thời Lào tại Thàkhẹt.
Từ cuối năm 1946, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Việt kiều ở Thái Lan, Lào và ở Campuchia tổ chức các đơn vị vũ trang trên đất Thái Lan. Lúc đó, Hoàng thân Prađi Phnôm Yong làm Thủ tướng Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, cho phép Việt kiều tổ chức các chiến khu trên lãnh thổ Thái Lan để luyện quân. Sau khi huấn luyện, lực lượng này tổ chức thành 4 đơn vị vũ trang, gồm: Bộ đội Độc lập số 1 (sau đổi tên là Chi đội Hải ngoại số 1), Bộ đội Quang Trung (sau đổi tên là Chi đội Hải ngoại số 2), Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II (sau đổi tên là Chi đội Hải ngoại số 3), Chi đội Trần Phú (sau đổi tên là Chi đội Hải ngoại số 4). Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên phó Chi đội Trần Phú. Ban Chỉ huy Chi đội Trần Phú lúc này ngoài đồng chí Dương Cự Tẩm, gồm:đồng chí Nguyễn Chánh làm Chi đội trưởng, các đồng chí Lê Quốc Sản và Đỗ Huy Rừa làm Chi đội phó, đồng chí Trần Văn Sáu làm Chính trị viên, đồng chí Lê Quán Trung (Hải Nam) làm Chính trị viên phó, đồng chí SơnNgọc Minh làm cố vấn. Chi đội tổ chức thành 3 đại đội chiến đấu, 1 phân đội đại liên, 1 phân đội trinh sát, 1 phân đội vận tải. Biên chế 426 cán bộ, chiến sĩ. Vũ khí, trang bị phần lớn do Mỹ, Nhật sản xuất còn mới, mua ở Thái Lan và Malayxia. Ngày 26-12-1946, từ Thái Lan, Chi đội Trần Phú vượt qua dãy núi Đăng Rếch tiến về biên giới Thái Lan - Campuchia, từ đó hành quân về hướng phum Prếsenkê trên bờ sông Mêkông thuộc tỉnh Công pông Chàm về đến Trại Bí (Tây Ninh) ngày 27-2-1947. Những ngày đầu ở Tây Ninh, Chi đội đề nghị Tỉnh ủy cho phép ra lời kêu gọi chức sắc, tín đồ Cao Đài và nhân dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp. Bản kêu gọi được ký tên “Chi đội Hải ngoại số 4”.
Tháng 3-1947, Chi đội Hải ngoại 4 tham gia Liên quân B với Chi đội 11 Bộ đội Hoàng Thọ, chiến đấu ở Gò Dầu và Trảng Bàng (Tây Ninh). Cuối tháng 3-1947, đồng chí Dương Cự Tẩm cùng Chi đội Hải ngoại số 4 được phân công về Khu 8, hoạt động ở chiến trường Sa Đéc (Đồng Tháp). Tại Sa Đéc, đơn vị được củng cố, tăng cường lực lượng. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Chi đội. Thực hiện nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 (6-1947), Bộ Tư lệnh Khu 8 tiến hành củng cố, tăng cường lực lượng, phát triển các chi đội vũ trang thành các trung đoàn. Theo đó, Chi đội Hải ngoại số 4 phát triển thành Trung đoàn 109. Ban Chỉ huy Trung đoàn do đồng chí Lê Quốc Sản làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Dương Cự Tẩm làm Chính trị viên, đồng chí Huỳnh Thế Phương làm Trung đoàn phó. Trung đoàn hoạt động chủ yếu ở khu vực Châu Thành, Lai Vung (Đồng Tháp).
Năm 1949, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Nam Bộ về thành lập các liên trung đoàn, tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập, Bộ Tư lệnh Khu quyết định thành lập các liên trung đoàn. Theo đó, tháng 1-1949, Trung đoàn 109 và Trung đoàn 111 nhập lại thành Liên Trung đoàn 109-111. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Liên Trung đoàn. Trong giai đoạn này, cùng với Ban Chỉ huy Liên Trung đoàn, lãnh đạo, chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Liên Trung đoàn chiến đấu lập nhiều thành tích, nổi bật là thắng lợi của Chiến dịch Cầu Kè (7-12-1949 - 26-12-1949), Chiến dịch Trà Vinh (26-3-1950 - 7-5-1950)...
Tháng 10-1950, Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập Trung đoàn Đồng Tháp và Trung đoàn Cửu Long. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Trung đoàn. Trung đoàn đứng chân hoạt động chủ yếu trên địa bàn Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp. Trong thời gian này, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, đồng chí Dương Cự Tẩm cùng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn chiến đấu, giành nhiều thắng lợi, nổi bật là chiến thắng đợt hoạt động tháng 2-1951, trên địa bàn Châu Thành (Sa Đéc), chống lại chính sách bình định lấn chiếm của địch. Thắng lợi của đợt hoạt động đã bẻ gãy âm mưu bình định lấn chiếm của địch trên địa bàn.
Tháng 2-1952, đồng chí Dương Cự Tẩm được điều động về làm Chính trị viên Tỉnh đội Vĩnh Trà (nay là 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Trong thời gian này, để chống lại sự lấn chiếm của địch và khôi phục phong trào du kích chiến tranh ở cơ sở, Tỉnh đội chủ trương phân tán nhỏ các tiểu đoàn 331, 333, 310, 312 thành các phân đội về hoạt động ở các huyện, xã, ấp, tác chiến tiêu diệt địch hiệu quả. Cuối năm 1952, tỉnh Vĩnh Trà được Bộ Tư lệnh Nam Bộ khen thưởng là “Lá cờ đầu trong phong trào phát triển chiến tranh du kích”.
Tháng 12-1952, đồng chí Dương Cự Tẩm được điều động về làm Chính trị viên Tỉnh đội Bến Tre, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tại đây, đồng chí cùng với Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bến Tre lãnh đạo, chỉ huy quân và dân đẩy mạnh tiến công địch, mở rộng địa bàn cùng cả nước bước vào Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang của tỉnh kết hợp với các địa phương, mở các đợt tiến công liên tục, đều khắp, đánh tập trung, kết hợp với đánh nhỏ lẻ, đánh sâu vào lòng địch, dồn địch vào thế bị động, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954) và kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp toàn thắng bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954 - 7-5-1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, đình chiến ở Đông Dương vào ngày 20-7-1954.
Năm 1954, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định là Chính ủy Trung đoàn 1 miền Tây Nam Bộ tập kết ra miền Bắc. Năm 1955, đồng chí Dương Cự Tẩm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 332 đi tiễu phỉ ở biên giới Lạng Sơn trong hai năm. Ngày 11-12-1956, Sư đoàn 338 được thành lập, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.
Năm 1959, đồng chí Dương Cự Tẩm làm Cục phó Cục Tuyên huấn, Cục phó Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Năm 1962, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Nậm Thà (Lào; 5-1962).
Tháng 7-1964, đồng chí vào miền Nam chiến đấu, được cử làm Cục phó Cục Chính trị Bộ Chỉ huy Miền. Ngày 13-6-1966, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Sư đoàn 7. Đồng chí Dương Cự Tẩm được cử làm Chính ủy Sư đoàn. Sau khi thành lập, sư đoàn tiếp tục được củng cố, tăng cường hoạt động ở miền Đông Nam Bộ, nâng cao sức chiến đấu, chống lại các cuộc hành quân của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trong thời gian này, sư đoàn tham chiến trong nhiều trận đánh tại Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, đường 13... có vai trò là bức tường phòng thủ bảo vệ các căn cứ, bộ chỉ huy hoặc chốt chặn đường rút, khóa các luồng chi viện của quân Mỹ và quân đồng minh.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), giữa năm 1967, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Phó Chính ủy Quân khu 9, tham gia mặt trận tiền phương ở Cần Thơ. Năm 1969, đồng chí được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu 8, làm nhiệm vụ nghiên cứu chống bình định trọng điểm của địch ở Mỹ Tho.
Từ phải sang, các tướng lĩnh: Nguyễn Hữu Xuyến, Lê Quốc Sản, Dương Cự Tẩm.
Từ năm 1978 đến năm 1980, đồng chí đảm nhiệm Phó Chính ủy Quân khu 7. Thời gian này, đồng chí cùng với đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), Phó Tư lệnh Quân khu 7 phụ trách chung hai mặt trận tiền phương của Quân khu tại Xiêm Riệp và Côngpông Chàm, góp phần giúp bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pôn Pốt và hồi sinh đất nước. Năm 1980, đồng chí Dương Cự Tẩm được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 7 và được thăng quân hàm Trung tướng năm 1984.
Là vị tướng nhiều kinh nghiệm về công tác chính trị, đồng chí Dương Cự Tẩm luôn tâm niệm “Đối với Quân đội ta, chính trị phải luôn gắn liền với công tác quân sự, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực tế lịch sử cho thấy, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì Quân đội khó vượt qua những khó khăn mà đôi lúc tưởng chừng như tan rã. Và nếu không có Đảng lãnh đạo thì không có một đội ngũ cán bộ cốt cán là đảng viên trong Quân đội, luôn gánh lấy những nhiệm vụ nặng nề nhất, thử thách nhất”.
Năm 1987, Trung tướng Dương Cự Tẩm nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2006, đồng chí qua đời ở tuổi 84. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí Dương Cự Tẩm được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc…