Sự kiện Cách mạng tháng Tám là mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời. Ảnh: Tư liệu
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách áp bức, bóc lột nặng nề củạ chính quyền thực dân, phong kiến, nhiều hệ tư tưởng mới đã xuất hiện, cùng với mục tiêu đánh đuổi thực dân và lật đổ chế độ phong kiến, những nhà tư tưởng và cách mạng còn tìm tòi một mô hình mới về nhà nước nhưng chưa có mô hình nào định hình và đứng vững.
Trước sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Người khẳng định cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Chính quyền công nông, mô hình nhà nước vô sản mà lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta lựạ chọn đã đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và cách mạng Việt Nam. Đây chính là định hướng cơ bản cho cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam từ năm 1930 đến 1945 và sau này.
Sau Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập, bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước, chống đế quốc, lấy tên là “Hội Cứu quốc”.
Cùng với thành lập Mặt trận Việt Minh, Đảng còn xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940) đội du kích đầu tiên do Đảng lãnh đạo đã được thành lập, sau phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân. Tổ chức này cùng với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) trên cơ sở của đội tự vệ vũ trang Cao Bằng, thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Tất cả sự chuẩn bị đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.
Trước tình hình vùng giải phóng ngày càng mở rộng, ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức chính quyền cách mạng lâm thời. Tháng 8/1945, thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào (13/8/1945), quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Trước tình hình đó, một vấn đề đặt ra là phải có một chính phủ lâm thời mang tính hợp pháp để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Trong điều kiện hết sức gấp rút và vô vàn khó khăn, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Quốc dân đại hội. Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội bao gồm hơn 60 đại biểu của ba miền Bắc, Trung. Nam, đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể quần chúng, dân tộc, tôn giáo trong cả nước, đã khai mạc ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và Mười chính sách lớn của Việt Minh. Đặc biệt, việc Quốc dân đại hội đã bầu ra được Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca.
Việc triệu tập Quốc dân đại hội, gồm tiếng nói của đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân lao động, đã đảm bảo giá trị pháp lý cho chính phủ lâm thời hoạt động. Đó là một quyết định hết sức sáng suốt, linh hoạt, kịp thời và đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, một sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với việc thành lập chính quyền nhà nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi bế mạc Quốc dân đại hội, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong cả nước thực hiện các nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trong phạm vi toàn quốc giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
Phát huy tinh thần và những giá trị của cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng: Kiên định mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7