Phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu; áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông; nghiên cứu, thực hiện các biện pháp hạn chế sụt lún đất ở ĐBSCL; năm 2019 triển khai mới 61 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 25-29/3/2019.
Phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Quan điểm, mục tiêu đặt ra là phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD; từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông
Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Theo quy định, ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1; ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2021; ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2020.
Đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ quy định ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng Mức 4 kể từ ngày 15 tháng 05 năm 2019.
Thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.
Quyết định này quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đối với người, người điều khiển, người đi trên phương tiện, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền; tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến và rời cửa khẩu cảng; cấp thị thực tại các cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền và cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý.
Về thủ tục biên phòng điện tử tại cửa khẩu biên giới đất liền, Quyết định quy định thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Người làm thủ tục khai báo hồ sơ biên phòng điện tử và nhận xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền bằng tài khoản đã được cấp tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập Internet.
Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó bổ sung Điều 57a xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.
Nghiên cứu, thực hiện các biện pháp hạn chế sụt lún đất ở ĐBSCL
Vừa qua, trên một số báo điện tử (trong đó có báo Thanh niên) có đăng bài phản ánh việc khai thác mỗi ngày 2,5 triệu lít nước dưới đất ở đồng bằng sông Cửu Long làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất, khiến đồng bằng lún xuống. Hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phù hợp để hạn chế tốc độ sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long theo thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước được giao; tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Năm 2019 triển khai mới 61 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia
Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ tư của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Để tiếp tục thúc đẩy, đạt kết quả tốt hơn trong công tác Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành tập trung triển khai các mục tiêu năm 2019, hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (bao gồm 18 thủ tục chuyển từ năm 2018 sang và 43 thủ tục của năm 2019 theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg); chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung của ASEAN; chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan và C/O điện tử với Liên minh kinh tế Á- Âu và Hàn Quốc.
Minh Hiển
Nguồn: chinhphu.vn