![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h2.jpg)
Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Quân đội tham dự hội thảo.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h3.jpg)
Các đồng chí đại biểu tham dự hội thảo.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h4.jpg)
Các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lão thành cách mạng tham dự hội thảo.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà được độc lập, tự do, cuộc đấu tranh 15 năm đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h10.jpg)
Sáng ngày 23/9/1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi). Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ - đồng chí Trần Văn Giàu phát “Lời kêu gọi Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu”.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h1.jpg)
Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi, tạo nên sức mạnh của toàn dân. Thực hiện "trong đánh ngoài vây", Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập 1 mặt trận nội thành và 4 mặt trận ở ngoại thành, bao vây địch trong thành phố; phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui.
Các tầng lớp Nhân dân cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường, cửa ngõ xung yếu ra vào Sài Gòn, không cho địch mở rộng địa bàn chiếm đóng ra vùng ven, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch và thực hiện các cuộc tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, đình công; nhiều nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy. Vòng vây quân sự và vòng vây kinh tế làm cho quân Pháp bất ngờ và bị động ngay từ những ngày đầu kháng chiên; âm mưu đánh chiếm Nam Bộ trong thời gian 3 tuần của chúng bị phá sản hoàn toàn.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h6.jpg)
Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu chào mừng tại hội thảo.
Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gây chấn động cả nước. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà". Đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam Bộ, nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời; Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến.
Được sự cổ vũ, động viên, giúp sức của cả nước, sau hơn một tháng chiến đấu anh dũng, chỉ bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc, những người con ưu tú của "Nam Bộ thành đồng" đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ “đi trước”, tiêu hao sinh lực, giam chân địch, làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, thể hiện quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân ta, tạo khoảng thời gian quý báu cho Trung ương Đảng và nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Đồng thời, cung cấp cơ sở thực tiễn cho Đảng ta xây dựng đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h7.jpg)
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam báo cáo đề dẫn hội thảo.
Phát huy truyền thống, hào khí Nam Bộ
Cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược đã cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước, mở đầu cho những thắng lợi sau này, đồng thời để lại nhiều bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó có bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh Nhân dân vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những kinh nghiệm và bài học quý báu ấy được tiếp nối, phát huy cao độ trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h9.jpg)
Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc", TP.HCM hôm nay luôn nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển. TP.HCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.
![](/fileman/Uploads/tbNews/20383/thumb/h11_20201121110832155.jpg)
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm hỏi đến các nhân chứng lịch sử.
75 năm trôi qua nhưng chiến công vang dội của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn sống mãi và ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.