QUỐC KỲ
Từ đầu những năm 1930, trong các cuộc đấu tranh cách mạng Việt Nam, đã thấy xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm. Cuối năm 1940, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ tại các tỉnh miền Nam. Từ ngày 21 đến 23/9/1940, Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ tiến hành họp mở rộng, bàn kế hoạch khởi nghĩa. Trước lúc khởi nghĩa, một vấn đề quan trọng đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng. Cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động khởi nghĩa vào ngày 23/11/1940 và thực hiện di huấn của Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa với ước muốn là sau khi đánh đổ thực dân đế quốc sẽ thành lập nước Việt Nam cộng hòa dân chủ và Quốc kỳ Việt Nam sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (sinh ngày 5/3/1901 tại Hà Nam, là một chiến sĩ cách mạng nhiệt tình và tài hoa) được trao nhiệm vụ sáng tác mẫu cờ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, miệt mài phác thảo, đồng chí Tiến đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt này: tạo ra lá cờ hình chữ nhật có ngôi sao vàng năm cánh nằm giữa nền đỏ tươi. Chiều rộng lá cờ bằng 2/3 chiều dài. 5 đỉnh của ngôi sao nằm trên đường tròn có tâm tại chính tâm lá cờ và bán kính bằng 1/5 chiều dài lá cờ (tức bằng 3/10 chiều rộng). 5 đỉnh còn lại của hình thập giác thể hiện ngôi sao đều nằm trên đường tròn đồng tâm mà bán kính bằng 1/10 chiều dài lá cờ (như vậy, mẫu ngôi sao này hơi khác - đầy đặn hơn - ngôi sao trên Quốc kỳ Việt Nam hiện nay).
Ban lãnh đạo khởi nghĩa khi đó là Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... rất tâm đắc và đã chuẩn y mẫu cờ trên.
Trung tuần tháng 5/1941, tại rừng Khuổi Nậm thuộc Pắc Bó (Hà Quảng - Cao Bằng), Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tháng 9/1941, văn kiện Chương trình Việt Minh được soạn thảo, trong đoạn mở đầu ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) đã thống nhất quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có một sao vàng năm cánh.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, đỏ rực cả Quảng trường. Ngày 5/9/1945, Chủ tịch ký Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, ngày 2/3/1946, toàn thể đại biểu Quốc hội đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ nước ta. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam thông qua cuối năm 1946 cũng quy định rõ: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.
Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải. Từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Thủ đô Hà Nội, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó đổi Quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công nhận Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
QUỐC HUY
Quốc huy biểu trưng cho quốc gia, cho sự độc lập, chủ quyền của đất nước, cho bản sắc của dân tộc. Bởi mang ý nghĩa đặc biệt và thiêng liêng như vậy, nên tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa I (ngày 15-20/9/1955) sau khi xem xét, cân nhắc rất nhiều mẫu, Tiểu ban Nghiên cứu ba vấn đề Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy đã quyết định trình mẫu Quốc huy do Chính phủ đề nghị và đã được đa số đại biểu Quốc hội tán thành. Mẫu Quốc huy này do các danh họa Bùi Trang Chước và Trần Văn Cẩn đồng sáng tác.
Quốc huy Việt Nam hình tròn, nền đỏ tươi, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho lịch sử cách mạng, tinh thần đoàn kết cùng tiền đồ rực rỡ của dân tộc ta, đất nước ta; bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho truyền thống nông nghiệp vững chắc; dòng chữ tên quốc gia (quốc hiệu) phía dưới và bánh xe răng cưa (gồm 10 bánh răng) tượng trưng cho liên minh công nhân - nông dân - trí thức là nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc, cho nền nông nghiệp cũng như xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
QUỐC CA
Quốc hội khóa I của nước ta đã quyết định lấy bài “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 làm Quốc ca Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1946 tại Điều 3 cũng ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa I (1955) đã quyết định giữ nguyên nhạc, chỉ sửa đôi chút về lời của bài Quốc ca và tác giả cùng đóng góp việc sửa lời. Năm 1993, Quốc hội một lần nữa khẳng định vị thế thiêng liêng cao quý bất di bất dịch của Quốc ca Việt Nam.
Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, Tiến quân ca được cử hành, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc của hành khúc hùng tráng đó.