Ngày 24-3, Sở Giao thông vận tải cho biết, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TPHCM.
Theo văn bản này, UBND TPHCM đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện dự án. Cụ thể, UBND TPHCM đề xuất giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 - TPHCM; được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua 2 địa phương (cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).
Ngân sách trung ương hỗ trợ TPHCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án; riêng tỉnh Long An, ngân sách trung ương hỗ trợ 90% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án.
Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án. Cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án đường Vành đai 4 - TPHCM của từng địa phương chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương (quy định tại khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công).
Đường Vành đai 4 - TPHCM đoạn qua Đồng Nai có điểm cuối tuyến là vị trí trước mố cầu Thủ Biên, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tư liệu
Đối với đoạn Vành đai 4 - TPHCM thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội (đoạn do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền), giao Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Cùng với đó là các cơ chế, chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.
Tại văn bản này, UBND TPHCM cũng cho biết, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các địa phương về quy mô dự án, đường Vành đai 4 - TPHCM có tổng chiều dài tuyến hơn 206km địa qua các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM. Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 112 ngàn tỷ đồng.
Thạch Hà (tổng hợp)
Nguồn: baodongnai.com.vn