Thiết kế cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood vừa chính thức gửi văn bản đến Thành ủy TP.HCM, UBND thành phố và Sở Giao thông vận tải để đăng ký tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn vào ngày 26/4.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được thiết kế mô phỏng hình dáng lá dừa nước, một biểu tượng gắn liền với vùng sông nước Nam Bộ. Điểm đầu của cây cầu nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng (quận 1), kết nối với điểm cuối tại công viên bờ sông thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), đoạn giáp đường Nguyễn Thiện Thành (tuyến R3).
Công trình có chiều dài khoảng 261m, với nhịp chính là vòm treo dây văng dài khoảng 187m, dầm bằng thép. Mặt cắt ngang của cầu chính có chiều rộng thay đổi 7-11m. Phía Quận 1, cầu dẫn và ram dốc dài khoảng 285m, rộng 6m, sử dụng dầm bê tông cốt thép.
Bên phía TP.Thủ Đức, cầu dẫn và ram dốc có hai nhánh, nhánh 1 dài 290m, rộng 6m, nhánh 2 dài 165m, đều sử dụng kết hợp dầm thép và bê tông cốt thép. Tổng mức đầu tư là 996,9 tỉ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Ngoài cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, TP.HCM đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án cầu lớn nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông như cầu Thủ Thiêm, kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với quận 7, góp phần giảm tải giao thông trên cầu Phú Mỹ. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 5.300 tỉ đồng và sẽ khởi công vào năm 2025.
Cầu Cần Giờ liên kết trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, thay thế phà Bình Khánh hiện tại. Với chiều dài 3,4 km và vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, cầu Cần Giờ được kỳ vọng sẽ phát triển khu du lịch sinh thái Cần Giờ.
Cầu Bình Quới - Rạch Chiếc kết nối khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh) với TP.Thủ Đức, nhằm thúc đẩy phát triển khu vực phía Đông TP.HCM…
Bảo Minh