Phối cảnh nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô của Skoda Auto.
Đây là dự án đầu tiên của Skoda Auto tại Đông Nam Á, nằm trên khu đất rộng 36,5ha. Công suất thiết kế của nhà máy đạt 120.000 xe/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025. Đây là kết quả hợp tác chiến lược giữa Skoda Auto và Tập đoàn Thành Công, với mục tiêu nội địa hóa sản xuất, giảm chi phí nhập khẩu và tận dụng lợi thế địa lý để tiếp cận thị trường ASEAN.
Nhà máy tại Quảng Ninh sẽ ứng dụng công nghệ "mắt thần", hệ thống giám sát thông minh dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Trong mỗi chu kỳ vận hành, hệ thống này chụp và phân tích khoảng 450.000 hình ảnh trên các thành phần di động của dây chuyền lắp ráp. Dữ liệu sau đó được xử lý ngay lập tức trên đám mây để phát hiện và cảnh báo các bất thường.
Dự án nhà máy của Skoda Auto tại Quảng Ninh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra tác động tích cực đến xã hội địa phương. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ tuyển dụng khoảng 3.000 lao động trực tiếp trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, hàng ngàn việc làm gián tiếp trong các ngành phụ trợ như logistics, cung ứng linh kiện và dịch vụ hỗ trợ cũng sẽ được tạo ra.
Bên cạnh đó, nhà máy sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực Quảng Ninh. Việc tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ xung quanh dự án cũng sẽ kích thích phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Trong đó, có 29 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt 1.651,09 triệu USD và 20 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 217,41 triệu USD.
Bảo Minh