Dự buổi làm việc có các đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng.
Cùng dự có đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương , Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương: Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thượng tướng Bế Xuân Trường và Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Dự hội nghị có lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan chức năng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cho rằng: Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta; là một trong những chức năng cơ bản đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần quan trọng tạo nên thế trận kinh tế - quốc phòng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tạo điều kiện cho Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ Quân sự, Quốc phòng (QS,QP), Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư và có cơ chế về đất đai, tài sản… cho Bộ Quốc phòng. Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã giao đất quốc phòng để các đơn vị, doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ QS, QP; thực hiện ký hợp đồng sử dụng đất theo phương thức trả tiền sử dụng đất hàng năm, số thu nộp về ngân sách nhà nước, cơ chế đó đang được thực hiện cho đến nay.
Việc khai thác, sử dụng có thời hạn đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm đúng nguyên tắc kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đặc thù trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm trực tiếp, thường xuyên cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa dự trữ lâu dài nguồn đất đai phục vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra; vừa mang lại hiệu quả kinh tế, chống lãng phí nguồn lực của đất nước, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm, góp phần giải quyết chính sách hậu phương quân đội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Hải.
Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng đã tích cực chỉ đạo cơ cấu, sắp xếp lại DNQĐ với mục tiêu, cơ cấu lại nhằm giảm mạnh số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu phát triển CNQP của đất nước. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuần túy, thương mại, xây dựng, dịch vụ... Khối DNQĐ hằng năm thu nộp khoảng 41.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước... Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm nòng cốt giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ nhân dân địa phương phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trọng Hải.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ QS, QP; những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong thực hiện chức năng của đội quân lao động, sản xuất thời gian qua. Đó là sự nỗ lực, thành quả rất lớn, có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh rất đáng trân trọng. Trong thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh các văn bản để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; nhất là các nội dung: Cho phép các doanh nghiệp trực tiếp làm nhiệm vụ QS, QP, các đơn vị, các đoàn kinh tế - quốc phòng được sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Kiên quyết thanh lý, thu hồi các hợp đồng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả; các hợp đồng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu quốc phòng cho thực hiện đến hết thời hạn. Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ, giữ ổn định tình hình Quân đội, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Quốc phòng phải làm mẫu mực về cổ phần hóa, thoái vốn, bàn giao đất của các doanh nghiệp thuần túy về xây dựng, thương mại, dịch vụ và các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ QS, QP cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo luật định. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài để quản lý chặt chẽ, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất quốc phòng vào cả nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, phù hợp với thực tiễn và chức năng nhiệm vụ của Quân đội, không để lãng phí nguồn lực.
Nguồn: qdnd.vn