“Hôm nay em là chiến sĩ…”
Chúng tôi đến Đại đội 21, Tiểu đoàn 5, Trường Quân sự Quân khu 7, nơi đang quản lý, huấn luyện nữ chiến sĩ nhập ngũ năm 2020. Tuy chưa vào giai đoạn huấn luyện chính thức nhưng đơn vị vẫn duy trì nền nếp các hoạt động dự khóa. Một bộ phận đang luyện tập các thế võ thể dục sáng, một bộ phận khác tập hát những bài hát quy định trong Quân đội và ca khúc truyền thống của nhà trường. Trong từng cử động, lời hát, các nữ chiến sĩ đã hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn lẫn nhau, khác với tâm lý còn e dè của ngày đầu vào quân ngũ.
Nữ chiến sĩ Bùi Thị Diệu Thu, sinh năm 1998, quê tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Hội ngành kế toán và đang học năm cuối Trường Đại học Sao Đỏ nhưng Diệu Thu quyết định nhập ngũ năm 2020. Cô gái trẻ người dân tộc Tày phấn khởi tâm sự: “Bố mẹ tôi là bộ đội nên từ nhỏ tôi đã được chỉ dạy những nền nếp trong quân ngũ. Dù thực tế có nhiều bỡ ngỡ hơn so với suy nghĩ của tôi nhưng được cán bộ quản lý tận tình hướng dẫn, cùng với sự động viên chia sẻ của chị em trong đơn vị, tôi nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống ở môi trường mới. Tôi cảm nhận được tình cảm đồng chí đồng đội thiêng liêng ở nơi này”.
Do khoảng cách khá xa về địa lý so với các đồng đội nên trong những ngày đầu về Trường Quân sự Quân khu 7, chiến sĩ Trần Thị Hải Yến, sinh năm 1993, quê tỉnh Hà Nam không tránh khỏi nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, Hải Yến nhanh chóng vượt qua, trở thành “người chị” của cả tiểu đội. Là chiến sĩ nữ duy nhất tại đây có trình độ thạc sĩ, trước khi nhập ngũ, Hải Yến đã có hai năm làm cộng tác viên cho Viện Hóa học Môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học. Chính khoảng thời gian đó đã cho Hải Yến những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống trong quân ngũ và cảm thấy môi trường này sẽ phù hợp với sự phát triển của bản thân trong tương lai. Hải Yến bày tỏ: “Tôi đã gặp những khó khăn ban đầu như thay đổi về thời tiết, khẩu vị thức ăn những ngày đầu tiên còn khác biệt… nhưng tôi đã khắc phục được. Niềm tự hào khi hôm nay tôi đã là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi cũng thật sự cảm động khi được tiếp xúc nhiều bạn bè, đồng đội, được cán bộ quản lý quan tâm chăm lo mọi mặt”.
Tự tin, nhanh nhẹn là điều chúng tôi cảm nhận khi trò chuyện với chiến sĩ Dương Mỹ Linh, sinh năm 1997, ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đang là giáo viên tiếng Pháp làm việc tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp nhưng Mỹ Linh gác lại, khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Gần hai tuần vào quân đội, cô gái trẻ này tâm sự: “Được nghe chỉ huy đơn vị nói về lịch sử, truyền thống vẻ vang của quân đội và bài giảng tâm lý, kỹ năng sống đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thấy rõ hơn mục tiêu lý tưởng để phấn đấu. Việc sắp xếp nội vụ vệ sinh, chấp hành các chế độ, quy định, cách xưng hô chào hỏi, thực hiện lễ tiết tác phong quân nhân đã giúp chúng tôi quen dần với môi trường trong quân ngũ. Vừa qua, khi bố mẹ đến thăm, tôi phấn khởi khoe đã học được tính kỷ luật và ngăn nắp”.
Chuẩn bị tốt, thi đua huấn luyện ngay từ đầu
Để làm tốt công tác quản lý, nắm bắt tư tưởng, lãnh đạo nhà trường, chỉ huy Tiểu đoàn 5, Đại đội 21 đã nhanh chóng thăm hỏi, động viên tinh thần và thăm dò năng khiếu, nguyện vọng của các nữ chiến sĩ ngay từ những ngày đầu nhập ngũ. Qua đó, đơn vị phân loại tốt tình hình tư tưởng, triển khai các kế hoạch CTĐ-CTCT kịp thời, sát đối tượng. Trung tá Nguyễn An Hòa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 cho biết: “Đơn vị đã kịp thời kiện toàn khung huấn luyện chiến sĩ mới theo đúng quy định; đồng thời tiến hành tập huấn cán bộ huấn luyện chu đáo, tỉ mỉ. Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới là nữ nên công tác tuyển chọn cán bộ được đơn vị đặc biệt coi trọng, ưu tiên những cán bộ có kinh nghiệm. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ mô hình, học cụ theo đúng quy định về số lượng, bảo đảm chất lượng sawnxn sàng cho huấn luyện chính khóa đạt kết quả tốt nhất”.
Chuẩn bị cho đợt huấn luyện nữ chiến sĩ mới năm nay, Trường Quân sự Quân khu 7 đã củng cố nơi ăn, ở, cải tạo khu vực vệ sinh… trước khi tiếp nhận chiến sĩ. Công tác bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm chú trọng, nhất là thời điểm đang xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Đại tá Lê Minh Tòng - Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết: “Dù có nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện nữ chiến sĩ các năm trước nhưng nhà trường luôn dành sự quan tâm rất đặc biệt, giao nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 5 chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ về mọi mặt. Cùng với tiêu chuẩn ăn của bộ binh, nhà trường đưa vào ăn thêm 5.000 đồng/người/ngày đối với nữ chiến sĩ mới. Cùng với đó, được sự quan tâm cấp trên, các vật dụng chuyên dùng, quần áo bơi của nữ được trang bị đầy đủ để phục vụ tốt nhất cho việc huấn luyện thể lực, môn bơi”.
Tới đây, các nữ chiến sĩ sẽ bước vào giai đoạn huấn luyện chính thức. Những nội dung điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệnh đội ngũ, huấn luyện thể lực, kỹ thuật chiến đấu bộ binh... sẽ là thử thách và cơ hội để các nữ chiến sĩ tiến bộ, trưởng thành hơn. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp sẽ giúp các nữ chiến sĩ vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để thực hiện mong muốn được cống hiến lau dài trong môi trường Quân đội.