Hôm nay, thế giới gần cán mốc 100 triệu người mắc virus SARS-CoV-2 với hơn 2,1 triệu người tử vong. Việt Nam được ghi nhận có thành tích trong phòng chống Đại dịch COVID-19, song không được lơ là, chủ quan.
Thế giới gần cán mốc 100 triệu người mắc virus SARS-CoV-2 với hơn 2,1 triệu người tử vong.
Diễn biến khó lường
Từ ca nghi nhiễm và tử vong đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 9/1/2020, đến nay, tròn một năm 15 ngày, bệnh dịch đã lây lan ra 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ có số lượng người mắc và tử vong cao nhất thế giới (tính đến 18g ngày 23/1/2021, tại nước Mỹ có 25.390.042 người mắc; 424.177 người tử vong). Kế đó là Ấn Độ với hơn 10,6 triệu người mắc và 153.221 người tử vong. Brazil có trên 8,7 triệu người mắc, 215.299 người tử vong.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) lên tiếng cảnh báo 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil gây nguy cơ cao ở châu Âu và có thể gây ra nhiều ca mắc, nhập viện và tử vong do COVID-19. Tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày hôm qua (23/1) đã phong tỏa 200 tòa chung cư để chặn COVID-19 lây lan. Nước Bỉ cấm người dân ra nước ngoài nếu không có lý do cần thiết kể từ ngày 27/1 đến ngày 1/3. Cộng hòa liên bang Đức lần đầu tiên đưa hơn 20 quốc gia vào danh sách các nước có nguy cơ cao đối với đại dịch COVID-19, theo đó sẽ áp dụng những biện pháp siết chặt đối với các trường hợp nhập cảnh từ những nước này.
Nước ta, nhờ các biện pháp phòng chống dịch tốt, nên đến hôm nay cũng đã trải qua 53 ngày liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19. Việt Nam cũng chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.
Tuy nhiên, gần đến Tết nguyên đán, có xu hướng lượng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gia tăng, có ngày lên đến gần 500 người. Mặt khác, trong nước, không ít người bắt đầu có hiện tượng lơ là, nhất là tại các đô thị lớn không thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” mà Bộ Y tế đã khuyến cáo; một số đơn vị, địa phương có phần buông lỏng công tác quản lý…
Bộ đội Biên phòng tuần tra, giữ yên đường biên giới - Ảnh:Báo Biên phòng
Không được chủ quan, lơ là
Trước việc ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần cán mốc 100 triệu người mắc virus SARS-CoV-2 chỉ sau có hơn một năm, kể từ ca mắc đầu tiên; đồng thời Tết cổ truyền đang tới, các hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí nhộn nhịp lên… Song hiểm họa mắc virus SARS-CoV-2 có thể đến từ bất cứ nơi, bất cứ chỗ nào, không kể ngày hay đêm, thành phố hay nơi biên giới xa xôi, nếu chúng ta chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Hơn một năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để phòng chống đại dịch COVID-19, riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 40 chỉ thị, công điện, công văn chỉ đạo. Chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ trong đầu năm nay (Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2021) cũng là chỉ thị về tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Chỉ thị nêu rõ: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo tăng cường quản lý biên giới, ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép, đặc biệt tại các tuyến đường mòn, lối mở, đường biển... Tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp. Chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo: Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn; thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly tập trung và theo dõi y tế sau cách ly tập trung. Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định; hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội. Các sự kiện tập trung đông người phải tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các tổ chức, đơn vị, khu dân cư, các nơi có nguy cơ cao như siêu thị, nhà ga, sân bay, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm…
Xuân Tân Sửu đang đến rất gần, để có một Tết cổ truyền dân tộc an toàn, vui tươi, mong rằng các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, người dân không được lơ là, chủ quan, luôn luôn đeo khẩu tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng. Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Không tụ tập đông người. Thực hiện tốt việc khai báo y tế. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Lê Việt
Nguồn: baochinhphu.vn