Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 duyệt đội ngũ tại Lễ ra quân huấn luyện. Ảnh: Tuấn Anh
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức biên chế LLVT Quân khu bảo đảm cân đối, phù hợp, có số lượng hợp lý, chất lượng cao; theo đó, xây dựng lực lượng thường trực “tinh, gọn, mạnh”, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”; đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời bình, đồng thời sẵn sàng bảo đảm cho các tình huống tác chiến.
Đến nay, Quân khu đã tiến hành rà soát, xây dựng, đề nghị Bộ Tổng Tham mưu ban hành 59 biểu tổ chức biên chế thời bình, 48 biểu tổ chức biên chế thời chiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và Quyết tâm tác chiến phòng thủ Quân khu. Điều chỉnh giảm 10% quân số khối cơ quan Quân khu; giải thể 8 Trường Quân sự cấp tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề số 7 và Sư đoàn 317. Sáp nhập cơ quan Hậu cần, Kỹ thuật, tổ chức lại thành phòng, ban Hậu cần - Kỹ thuật ở các đơn vị. Tập trung biên chế quân số cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, biên giới, biển đảo của khối chủ lực đạt 100% quân số được biên chế. Quá trình điều chỉnh đã khắc phục được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; số đầu mối cơ quan và quân số khối cơ quan Quân khu giảm song vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Luật Dự bị động viên, Quân khu đã biên chế các đơn vị dự bị động viên đúng quy định, quân số đạt trên 99%, chuyên nghiệp quân sự đạt trên 90%; khả năng sẵn sàng động viên và tập trung huấn luyện đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, tiếp tục rà soát, thực hiện phân vùng động viên hợp lý, bảo đảm chế độ chính sách đúng quy định, đúng pháp luật và thường xuyên kiểm tra, phúc tra, bảo đảm đủ quân số; có chất lượng tốt hơn, thực chất hơn.
Thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2019, đến nay Quân khu chỉ đạo xây dựng cấp xã đều có dân quân thường trực; cấp huyện xây dựng từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội dân quân thường trực. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, đã vận dụng Luật Dân quân tự vệ để chỉ đạo thực hiện 2 mô hình sáng tạo, đó là mô hình “Dân quân thường trực trong khu công nghiệp”; “tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng”. Trong đó xây dựng hàng chục Trung đội, Tiểu đội dân quân thường trực trong các khu công nghiệp; tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tự vệ trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng. Trung bình hàng năm các địa phương bảo đảm 60 tỷ đồng để chăm lo cho dân quân thường trực; các doanh nghiệp tự bảo đảm chế độ chính sách cho tự vệ thuộc quyền. Doanh nghiệp bố trí đất, địa phương bảo đảm ngân sách xây dựng trụ sở làm việc bao gồm nhà làm việc và khu tăng gia sản xuất. Lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Ban CHQS cấp huyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng của địa phương bảo vệ ANCT - TTATXH trong doanh nghiệp và trên địa bàn đứng chân.
Để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu, đủ sức phối hợp xử trí hiệu quả các tình huống xảy ra ở từng địa bàn, Quân khu đã tổ chức lực lượng dân quân thường trực luân phiên tập trung tại Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ CHQS 8 tỉnh theo Mô hình “Đại đội dân quân thường trực luân phiên tập trung tại tỉnh, thành phố để huấn luyện nâng cao và sẵn sàng xử trí các tình huống”. Bộ CHQS tỉnh Bình Dương tham mưu Ủy ban Nhân dân xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức, xây dựng Đại đội dân quân thường trực cấp tỉnh”. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình, Quân khu đã báo cáo và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho phép thực hiện tại Quyết định số 2830 ngày 12/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tính đến nay, 9 tỉnh, thành phố đã tổ chức luân phiên huấn luyện được trên 90 lượt đại đội với trên 10.000 lượt dân quân thường trực tham gia, mỗi đợt huấn luyện tập trung trong 3 tháng. Trong thời gian tập trung huấn luyện, khi có các tình huống xảy ra, lực lượng này được sử dụng để tham gia phối hợp xử lý rất kịp thời, hiệu quả tình huống, bảo vệ mục tiêu, phòng, chống dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Sau khi kết thúc huấn luyện tập trung, dân quân được điều động trở về công tác tại từng xã, huyện và sẵn sàng điều động lên tỉnh, thành phố làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Các địa phương bố trí từ 5 đến 17 tỷ đồng bằng ngân sách địa phương xây dựng doanh trại, phục vụ sinh hoạt, huấn luyện và bảo đảm chế độ chính sách cho dân quân khi tập trung huấn luyện. Các địa phương biên giới xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới; các tỉnh ven biển xây dựng Hải đội dân quân thường trực, được biên chế tàu có công suất từ 1000 đến 4000CV, lực lượng dân quân được các địa phương trang bị vũ khí, trang bị, công cụ hỗ trợ; phương tiện cứu hộ, cứu nạn bảo đảm kịp thời, thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ xây dựng “tinh, gọn, mạnh” với xây dựng thế trận tác chiến phòng thủ Quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện; giáo dục, đào tạo. Đã quy hoạch xong và đầu tư 127 tỷ đồng xây dựng trường bắn, thao trường bảo đảm cho huấn luyện. Thực hiện huấn luyện theo phân cấp, đồng thời, tập trung chỉ đạo diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng gắn với diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng sáng tạo quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp trong quá trình huấn luyện. Tập trung huấn luyện toàn diện cho bộ đội đánh giỏi bằng vũ khí trong biên chế, đồng thời thành thạo hiệp đồng quân, binh chủng khi được tăng cường, chi viện; chú trọng nâng cao thể lực, sức bền và khả năng cơ động trên địa hình hỗn hợp cho bộ đội. Lực lượng dân quân huấn luyện tham gia xử lý các tình huống an ninh chính trị, cứu hộ, cứu nạn; diễn tập phòng thủ dân sự trên địa bàn.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa điều chỉnh tổ chức biên chế với điều chỉnh, củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng; kết hợp chặt chẽ giữa điều động bố trí cán bộ với giáo dục, động viên tư tưởng, quan tâm chăm lo đời sống, hỗ trợ giúp đỡ cán bộ nhanh chóng ổn định theo biên chế mới, bắt tay thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó đã giải thể Đảng bộ Sư đoàn 317, Trường Cao đẳng nghề số 7; thành lập 13 tổ chức Đảng đối với cơ quan Hậu cần - Kỹ thuật các đơn vị sáp nhập, tổ chức lại theo biểu tổ chức biên chế mới.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương để quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị và các chủ trương, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẵn sàng triển khai các giải pháp điều chỉnh tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị, củng tổ chức Đảng hợp lý, phát huy tốt vai trò các tổ chức, các lực lượng trong xây dựng LLVT Quân khu “tinh, gọn, mạnh”.
Thứ năm, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng LLVT Quân khu “tinh, gọn, mạnh”. Tập trung quán triệt, vận dụng và cụ thể hóa Nghị quyết số 1658 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 1661 về “Lãnh đạo công tác tài chính đến năm 2030 và Nghị quyết số 1656 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Ngành Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu đã được tổ chức lại, đồng thời nhanh chóng triển khai bảo đảm vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, độ tin cậy, độ chính xác cao cho LLVT Quân khu, nhất là các lực lượng mới sáp nhập và thành lập mới.
Xây dựng Quân khu 7 có lực lượng thường trực “tinh, gọn, mạnh”; dự bị động viên hùng hậu; dân quân tự vệ “vững mạnh rộng khắp” góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và kế hoạch của Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” và từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7