Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ sinh năm 1959, ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhập ngũ tháng 8/1978, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 502, Mặt trận 779. Ngày 01/9/1979, tại phum Chot, huyện RumDuol, tỉnh Svay Rieng, Trung đội phó Nguyễn Văn Ngộ được tin báo có 2 người dân Campuchia bị chết trong bãi mìn (do lính Pôl Pốt gài lại) 2 ngày mà chưa đưa xác ra được. Trung đội phó Ngộ xung phong nhận nhiệm vụ cùng với 1 tổ vào bãi mìn tìm cách đưa xác người dân ra an táng. Khi tiếp cận hiện trường, anh thấy còn có 1 em bé bị thương đang kêu khóc thảm thiết... Anh nhanh chóng đưa em bé ra khỏi bãi mìn bằng cách mở một lối đi an toàn xuyên qua bãi mìn, Nguyễn Văn Ngộ không ngại hiểm nguy, dò gỡ mìn, tìm đường cứu em bé và đưa xác người dân ra ngoài. Sau khi tháo gỡ hơn 10 quả mìn, bất ngờ 1 quả phát nổ làm anh bị thương nặng nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội tháo gỡ mìn, động viên chiến sĩ nhanh chóng đưa em bé đi cứu chữa. Anh hy sinh vì vết thương quá nặng. Năm 1983, Nguyễn Văn Ngộ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Tiếc thương anh, nhân dân Campuchia và chính quyền địa phương nơi đơn vị làm nhiệm vụ dựng tượng Nguyễn Văn Ngộ để tưởng nhớ. Và gia đình bà Vi Ngát đã tự nguyện chăm sóc Tượng đài anh hùng liệt sĩ QTNVN Nguyễn Văn Ngộ. Khi ông Troc On, chồng bà Vi Ngát qua đời, bà đã thay ông làm việc nghĩa này. Chồng mất, nhà nghèo lại đông con, bà đi giúp việc cho một gia đình ngoài chợ xã, nên tầm 4h sáng là bà thức dậy vừa sắp xếp công việc gia đình rồi đến nhặt lá cây rụng dọn sạch sẽ khu vực tượng đài. Chiều đi làm về bà Vi Ngát tạt qua thắp hương cho anh hùng Ngộ rồi mới đạp xe về nhà mình. Bà lặng lẽ với việc làm này không đòi hỏi sự đãi ngộ nào từ chính quyền Việt Nam, hay chính quyền địa phương nơi bà sinh sống. Bà không nói được tiếng Việt, nhưng bà lại nói được rành rẽ câu “Anh hùng Ngộ, Bộ đội Việt Nam tốt lắm” khi có đoàn đến viếng thăm.
Năm nay lưng bà Vi Ngát đã còng hơn, bà không còn khỏe như trước nhưng sáng nào bà cũng lọ mọ qua đường để quét lá bồ đề rụng xung quanh tượng đài. Khi trời chập choạng tối là bà đến thắp nhang tượng đài, hôm nào trở bệnh không đi nổi bà mới nhờ con cháu giúp. Khi chúng tôi hỏi vì sao bà lại tình nguyện làm công việc này bởi đó không phải là người thân của mình, dân tộc mình, không một chút đắn đo bà chân thành chia sẻ: Không có bộ đội Việt Nam, chắc bây giờ bản thân tôi, dòng họ tôi và cả dân tộc tôi chắc không còn sống sót bởi bàn tay của bọn Pôl Pốt. Anh hùng Ngộ là trong số bộ đội nhà Phật đó. Anh hùng Ngộ hi sinh ở đây, tượng đài anh ở đây, linh hồn anh ở đây, và anh đã sống mãi trong lòng người dân chúng tôi.
Những người lính Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ trở về nước và hàng chục ngàn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh nằm lại trên đất bạn đã minh chứng tinh thần quốc tế cao cả của bộ đội Việt Nam. Hôm nay cả hai dân tộc, hai đất nước tiếp tục giữ gìn, vun đắp mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện” giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững. Và việc làm tình nghĩa của người phụ nữ Campuchia ấy với tượng đài anh hùng liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam suốt mấy chục năm qua thật đáng trân trọng.