Xung kích, xông pha tại các điểm nóng
Trong những ngày cao điểm chống dịch, Báo Quân khu thành lập 2 tổ phóng viên, mỗi tổ 3 đồng chí tác nghiệp tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, các khu cách ly tập trung, các chốt phòng, chống dịch nơi biên giới. Nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm nhanh, điểm nóng nào cũng có dấu chân của phóng viên Báo Quân khu với những bản tin, phóng sự, chùm ảnh phản ánh chân thực những ngày cả nước căng mình chiến đấu với dịch bệnh.
Những thông tin chính xác, hình ảnh sống động, thước phim chân thực được đổi bằng sự dấn thân, lăn xả vào tâm dịch của các cán bộ, phóng viên Báo Quân khu. Đó là những ngày trực tin sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, là những đêm không ngủ, những lần ôm máy xông thẳng vào tâm dịch trong nguy cơ lây nhiễm cận kề nhằm đảm bảo dòng tin thông suốt.
![](/fileman/Uploads/tbNews/25700/thumb/h1_20211031223222614.jpg)
Phóng viên Báo Quân khu tác nghiệp trong tâm dịch.
Với Trung úy QNCN Lê Long Hồ, phóng viên Báo Quân khu, những ngày tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19, anh cảm nhận rõ hơn về nghĩa tình quân dân, của LLVT Quân khu và người dân Sài Gòn.
“Chúng tôi kịp thời truyền tải hình ảnh, thước phim đầy cảm xúc về những “Siêu thị 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện” trên các loại hình báo chí của Báo Quân khu; hay những lá thư tay với nét chữ còn nguệch ngoạc của những đứa trẻ 9-10 tuổi, những món quà tự làm tại các khu cách ly của người dân thay lời cảm ơn đối với các y bác sĩ... Từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực ấy tạo động lực giúp những người làm báo chúng tôi cần phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”. Trung úy QNCN Lê Long Hồ nói.
Những thước phim không có trước kịch bản
Trong bối cảnh dịch bệnh, để có những hình ảnh “đắt giá”, phản ánh một cách chân thực cuộc sống của những bệnh nhân Covid-19, các trường hợp F1 cách ly tập trung, các điểm bàn giao hài cốt nạn nhân Covid-19 hay sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu, phóng viên quay phim phải đến tận nơi, vào tận các buồng, giường nằm của các bệnh nhân F0 mới ghi được hình.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Hiền, phóng viên Báo Quân khu tâm sự: “Ngôn ngữ của truyền hình là hình ảnh nên bắt buộc phóng viên phải lăn xả vào tâm dịch để ghi lại khoảnh khắc lịch sử. Có dấn thân vào thực tế mới có những phóng sự mang hơi thở cuộc sống. Dù có những lo lắng nếu vô tình bản thân trở thành F1 hay thậm chí là F0 nhưng tự hào hơn cả là tôi hoàn thành sứ mệnh người làm báo và đạo đức nghề nghiệp. Những thước phim ra đời, những tác phẩm báo chí có giá trị sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn cho các lực lượng tuyến đầu vượt qua đại dịch”.
![](/fileman/Uploads/tbNews/25700/thumb/791-01-copy.jpg)
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, biên tập viên Báo Quân khu tác nghiệp trong dịch Covid-19.
Trong đợt dịch thứ 4, tại chiến trường nóng bỏng nhất ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, các phóng viên Báo Quân khu đã và đang cống hiến hết mình, giữa nguy hiểm bủa vây tứ bề, những dòng tin nóng hổi vẫn chảy đều, không hề đứt đoạn.
Đại tá Nguyễn Văn Bắc, Tổng Biên tập Báo Quân khu cho biết: “Cán bộ, phóng viên Báo Quân khu luôn bật chế độ sẵn sàng “chạy” bất kể ngày đêm, giờ nghỉ, ngày nghỉ để tác nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh, thời gian nào. Nhiều đồng chí 4-5 tháng chưa về nhà, có đồng chí vợ bị nhiễm Covid-19 phải gửi con nhỏ cho ông bà để thực hiện nhiệm vụ. Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng vào các vùng nguy hiểm nhất để tạo nên những tác phẩm có giá trị, phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo, lan tỏa những hình ảnh tích cực, góp phần tạo niềm tin cho Nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tác nghiệp trong khó khăn của dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để phóng viên đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp”.