Chiến khu Đ là căn cứ cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Đông Nam bộ. Được thành lập tháng 2-1946 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tại tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Thời kỳ đầu, Chiến khu Đ gồm hạt nhân của 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An, sau đó được mở rộng ra và trở thành căn cứ địa không chỉ của tỉnh Biên Hòa mà còn của Khu 7 (từ năm 1947 đến 1950). Đến năm 1951, Chiến khu Đ trở thành một trong hệ thống căn cứ địa của Nam bộ gồm: chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Đồng Tháp Mười, chiến khu U Minh. Với địa thế rừng rậm, núi sâu hiểm trở, trung tâm tiếp giáp các tỉnh trong khu vực miền Đông, có suối nước, hệ động thực vật phong phú, là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi tập kết lực lượng, cất giấu kho tàng, vũ khí và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến lâu dài, nên chiến khu Đ được chọn xây dựng rất vững chắc, là “bàn đạp” cho các cuộc tấn công nổi dây của quân và dân miền Đông Nam bộ. Hiện chiến khu Đ bao gồm 3 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ, có diện tích 39,8ha trải dài từ địa phận huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).
Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển của LLVT Quân khu 7, quân và dân tại các căn cứ cách mạng có đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trở về lại những địa danh xưa, làm tốt công tác dân vận trên địa bàn là thắt chặt thêm tình nghĩa quân dân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”. Ngày 24 và 25-11, đoàn công tác “Về nguồn” Quân Khu 7 trở lại Di tích lịch sử chiến khu Đ; thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7. Xã Phú Lý nằm cách trung tâm tỉnh Đồng Nai 80km, là xã có nhiều đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, có truyền thống cách mạng, trung thành, bám trụ trong suốt các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; nơi đây từng che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Già làng Tơ Tơ (còn có tên Năm Nổi) là một ví dụ. Ngay từ khi mới lên 7, ông đã tham gia vào đoàn giao liên của bản. Năm 1955, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhờ uy tín cũng như kinh nghiệm giao liên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông được giữ chức Bí thư chi bộ của làng. Không chỉ chung thủy với cách mạng, già làng Năm Nổi còn là lãnh tụ tinh thần của người dân Chơro, tâm huyết giữ gìn nhiều vật phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Năm nay ở tuổi 86, dẫu nhớ nhớ quên quên nhiều điều nhưng những ngày được tiếp xúc với các cán bộ lão thành cách mạng như anh hùng Huỳnh Văn Nghệ, Trung tướng Nguyễn Bình… tại chiến khu Đ này thì ông vẫn nhớ như in. Hôm đoàn công tác “Về nguồn” Quân Khu 7 đến thăm, ông xúc động lắm: “Tôi già như vầy mà vẫn còn được bộ đội Quân khu 7 nhớ, đến thăm, tôi vui lắm không biết nói gì hơn. Cũng chính điều này làm tôi phải nhắc mình cũng như bà con trong bản luôn phải nhớ và sống thủy chung với bộ đội”.
Đợt này, ngoài khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân, đoàn công tác “Về nguồn” Quân khu 7 còn mang theo 200 phần quà (140 ngàn đồng/phần) để tặng cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, gia đình khó khăn trong xã. Cũng trong ngày 24-11, tại Chiến khu Đ - nơi thành lập Quân khu miền Đông, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 7 đóng quân trên địa bàn tỉnh và đoàn viên thanh niên địa phương đã tổ chức các hoạt động giao lưu lửa trại với chủ đề “70 năm tiếp bước truyền thống” và đến thắp hương tưởng niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước tại Nghĩa trang liệt sĩ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ và Bia lưu niệm nơi thành lập Quân khu miền Đông.
HẢI YẾN